NHỚ ỐM
Tại vì bạn cứ thấy thiu thỉu ngầy ngật. Bạn thấy người gây gấy sốt. Trán mưng mưng đau. Bạn muốn nhắm mắt nằm nghỉ nhưng hai con mắt cứ tráo trưng nhìn lên trần nhà. Bạn nhớ ra rằng, vẫn còn việc này kia nọ chưa xong, vẫn còn mấy chỗ sót, vẫn chưa hợp lý. Thế là bạn lại lọ mọ phết chỗ nọ phẩy chỗ kia. Mắt bạn lồi ra, tay bạn mổ cò tận lực. Tai bạn căng lên, nghe o o như điện thoại để loa ngoài. Đứng lên rồi ngồi xuống. Nắn nót sai sót. Mà sai sót cứ liên tục. Bạn lẩm bẩm nói một mình, phải cẩn thận. Uống thêm tí nước cho tỉnh táo. Nhưng bộ não quá đát ầm ừ phản đối. Cơ thể cũng góp lời theo kiểu của nó. Bạn đi lại ngật ngưỡng lao lư giữa đống giấy tờ và cốc cafe cỡ đại. Rồi bạn quyết định buông. Nhưng nằm xuống mà không nhắm được mắt hoặc nhắm được mắt rồi mà không sao chợp được mắt thật là khốn khổ. Bạn không thể định tâm vào bất cứ việc gì hay cái gì. Bạn nhớ hơn 6 năm về trước, khi phải mổ thoát vị đĩa đệm. Bạn nằm chung chiếc giường bệnh viện với một bệnh nhân khác, cũng vừa mổ xong, song song thõng thượt, như hai xác ướp quấn băng trắng toát và nẹp lưng thẳng đừ. Bạn đã quên hết tất cả, chỉ nhớ mỗi cơn đau của mình. Gần nửa năm sau đó, trí não bạn gần như không hướng về trước, nó luôn quặt về đằng sau, ở giữa đốt sống L4 - L5, nơi khối đĩa đệm bị lệch và chèn vào những sợi thần kinh khốn khổ. Trong một thời điểm, bạn đã có thể triệt để quên tất cả đống lộn xộn gọi là đời sống này và chỉ tập trung vào mỗi việc, đấy là cơn đau của bạn. Đấy là ý nghĩ đầy ghen tỵ khi bạn vật vờ giữa 3h sáng hệt một xác sống say cafe.
Hic, cứ như đang đọc nghe Dostoevsky lẩm nhẩm vậy Cô ơi :( Nhiều khi, em cũng có chung cảm giác ấy, tuy may mắn chưa bị L4-L5 chiếu mạng. Em gọi đó là khoái cảm của cơn đau. Vào chính lúc ấy, khi chỉ có mình và nó (cơn đau), mọi thứ xung quanh mọi chuyện buồn bự,c mọi hi vọng kế hoạch dự định gì đó bỗng tan đi và nhẹ bẫng...
Trả lờiXóaRõ yêu quá...cái tôi trong bài viết...mưng mưng, lảo đảo và chốc mòng vì cafe hay vì bao trang đời đang cần nắn nót.. Tất cả đều nhường chỗ cho đôi mắt ráo hoảnh trước niềm yêu quá lớn với đời thơ, đời thực! Khi biết thân đã găm vào, lúc ấy, rã rời chẳng nghĩa lí chi!
Trả lờiXóa