THƠ HÀN MẶC TỬ,
“TIẾNG KÊU VANG TRONG IM LẶNG”
Lê Hồ Quang
Thơ Hàn Mặc Tử gây chấn động trước hết
bởi chân dung cái tôi tác giả, một cái tôi đau thương và cô độc tột cùng. Điều
này không hẳn bị quy định bởi những nguyên tắc sáng tạo của chủ nghĩa lãng mạn.
Nhà thơ là kẻ lữ hành tuyệt đối cô độc không chỉ trong thế giới nội tâm mà còn
trong chính đời thực (có thể tìm thấy những thông tin khá xác thực về hoàn cảnh
sống cơ cực cũng như tình trạng bệnh tật của ông, nhất là những năm cuối đời,
trong nhiều tài liệu). Cô độc và đau thương, do đó, với Hàn Mặc Tử, không phải
một triết lí siêu hình hay một trạng thái tâm lí nhất thời, mà chính là cuộc sống
hiện hữu. Nỗi đau bệnh hoạn cùng ám ảnh thường xuyên về cái chết đưa ông chìm đắm
vào những trạng thái mê sảng, mộng mị kì lạ. Trong thế giới ấy, chỉ có thi sĩ với
“tiếng kêu vang” của chính ông. Những âm thanh dội lại trong cõi tâm
linh thăm thẳm như một cuộc rượt bắt vô vọng và đau đớn:
Ta
đang khao khát tình yêu thương
Cất
tiếng kêu vang trong im lặng
Tiếng
va vào núi dội quanh vùng...
(Tiếng
vang)
Hoàn cảnh và số phận đau khổ ấy khiến Hàn Mặc Tử không thể cuống quít đòi hỏi người tình như Xuân Diệu - “Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm”, cũng không thể than van một cách điềm đạm như Huy Cận trong giờ khắc “khi lá rụng và hồn tôi đã xế”. Không thể hướng ra ngoại giới, ông quay vào nội tâm, phóng chiếu những yêu thương và tuyệt vọng cùng cực thành muôn ảnh hình dị thường. Bị tách khỏi thế giới, ông tự sáng tạo nên thế giới. Chính vì vậy, trong lời tựa Đau thương, ông viết:
Tôi làm thơ?
- Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi
bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức
giữ bí mật.
Và nghĩa là tôi đã mất trí, tôi
phát điên.
Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật
ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú... Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?
Đặc biệt trong những sáng tác cuối đời, thi sĩ thường “tự
họa” mình như một con người điên cuồng vì bệnh hoạn và cô độc, “sượng sần và
tê điếng” trong nỗi đau phân rã và huỷ hoại. Trường từ ngữ dùng để diễn tả
tính chất khác thường của cái tôi này khá rộng. Hoặc nhà thơ trực tiếp dùng các
tính từ chỉ cảm giác như điên, điên dại, điên cuồng,ngây, si, cuồng, rồ dại,
mê man, ngất ngư...; hoặc ông dùng động từ để diễn tả những hành động dường
như vượt ra ngoài sự kiểm soát của lí trí, chẳng hạn gào, rú, hộc, ọc, mửa,
rên siết... Nỗi đau tạo nên một xung lực đặc biệt, nó thúc đẩy thi sĩ cảm
biết thế giới theo những cách thức gây đau đớn, trong những phản ứng thể chất
trực tiếp và tức thì, chẳng hạn: cắn, đớp, cấu, cào, nhai, nuốt... Tuy
nhiên, nếu chỉ dừng lại tự “định danh” mình là “điên”, nhận ra mình đang phá
tung những lệ luật, cũng có nghĩa là con người còn khá... tỉnh táo. Tình trạng
“thoát khỏi bờ trí tuệ” này thể hiện rõ nhất trong dày đặc những ảo giác
lạ lùng:
-
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với
lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà
sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không
nói không rằng nín cả hơi!
(Cô
liêu)
-
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai
đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao
bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ
xuống lòng tôi những giọt châu?
(Những
giọt lệ)
-
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa,
Vỡ
tan thành vũng đựng vàng khô.
Ta
nằm trong vũng trăng đêm ấy,
Sáng
dậy điên cuồng mửa máu ra...
(Say
trăng)
Xét từ góc độ tâm lí học sáng tạo, “điên” ở đây không phải
là một phản ứng bệnh lí mà chính là một kiểu phản ứng thẩm mĩ. Đấy là đỉnh điểm
của tình yêu, nỗi tuyệt vọng và khát khao hạnh phúc cất lên từ một số phận bi
thảm, một nỗi đau khủng khiếp mà nhà thơ buộc phải gánh chịu như một định mệnh
tàn khốc nhưng cũng là động lực tuyệt vời cho những thăng hoa sáng tạo “phi thường”
(chữ dùng của Chế Lan Viên). Như vậy, nỗi bất hạnh của cuộc đời đã trở thành cơ
may của nghệ thuật - dĩ nhiên, điều này chỉ đúng với một số trường hợp. Với Hàn
Mặc Tử, điều này cho phép ông sắp xếp lại thế giới theo một logic riêng, logic
của “thơ điên”, trong đó, mọi hình ảnh hiện lên theo trật tự của giấc mơ và những
ám ảnh tâm linh thăm thẳm.
Cái tôi cô độc và đau thương ấy hóa thân trong những hình
tượng đặc biệt: trăng, hồn, máu. Đấy không phải là sự “hóa thân”
hay “phân thân” theo kiểu những thao tác kĩ thuật. Đấy là trạng thái “nhập hồn”
trong một thế giới ảo giác mê man, ở đó, trăng, hồn, máu không còn là những
ý niệm trừu tượng, chúng trở thành những hình hài đầy nhục cảm, có sức mạnh và
đời sống tự thân. Bản thân hồn cũng là một sinh thể, tách biệt với thể
xác, là “một kẻ lạ” với thể xác và trong hồn không ngừng chia tách những
linh hồn mới. Đấy là một sự đào thoát vô thức nhằm vượt ra ngoài cái thân xác hữu
hạn, cố định của chính nó, để sống tột cùng cảm giác trong những sinh mệnh
khác, số phận khác. Nếu hồn ứng với tinh thần, thì máu tương ứng
với thể xác con người, với sức nóng và sự sống. Nó được hình dung như là bản
nguyên của thân xác, đồng thời cũng là một phương tiện để truyền dẫn những đam
mê. Cũng vậy, trăng là một biểu tượng đa nghĩa. Xuất phát từ những đặc
tính tự nhiên, là thiên thể của ban đêm, trăng gợi nên ẩn dụ về cái Đẹp
hiện diện trong khoảng mênh mông tăm tối. Liên tưởng xa hơn, trăng còn
là biểu tượng của cái linh hồn sinh vật trong cõi âm u và sâu xa của nó. Một
cách khái quát, trăng, hồn, máu là sự tượng hình hóa tình trạng “cả
thể xác lẫn linh hồn tan rã” của Hàn Mặc Tử, hay nói cách khác, đó chính là
sự phân rã của bản thể thi nhân trong một cảnh ngộ bi đát. Đó chính là hình ảnh
tượng trưng của một cuộc phiêu lưu tinh thần cuồng loạn trong bóng tối vô thức.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà cái tôi nhà thơ thường hiện lên giữa thế giới
của trăng, hồn, máu, trong những kênh ảnh hình kì dị: Ta khạc hồn ra
ngoài cửa miệng/ Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi; Người trăng ăn vận toàn
trăng cả/ Gò má riêng thôi lại đỏ hườm; Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi lời
thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng
cả làn da... Bị “cầm tù” trong những dày vò cùng cực cả về thể xác lẫn tinh
thần, sự phân rã này là một tất yếu bi kịch, nó tô đậm hơn nỗi đau thương của
thi sĩ, nhưng đồng thời, ấy cũng là hành động giải phóng và tự giải phóng. Từ
đây, Hàn Mặc Tử có thêm bạn đồng hành, cũng là những phương tiện để soi ngắm thế
giới. Trăng, hồn, máu và cái tôi thi sĩ ở đây tựa như tháp Bayon bốn mặt,
chúng phân chia và hợp nhất trong một bản thể đau thương và cô độc. Cho nên, nội
tâm ấy đông đúc đấy mà lạnh lẽo đấy; đầy những nguồn sáng, hình thể, sắc màu,
mà cũng đầy âm u, cô tịch. Thi sĩ đã biến nội tâm của mình thành cả một thế giới
và mỗi bước đi là thêm một bước dấn sâu hơn vào cái thăm thẳm của vô thức,
“càng đi xa càng ớn lạnh”.
Trong con mắt cái tôi đau thương Hàn Mặc Tử, tình yêu
luôn mang một vẻ đẹp và ý nghĩa khác thường. Tình yêu là hiện thân của sự sống
và yêu cũng chính là sống, trong trạng thái đỉnh của nó. Đấy vừa là điểm tựa
tinh thần, là phương tiện để nhà thơ vượt thoát khỏi nỗi cô đơn, vừa là cái
đích cuối cùng trong cuộc chạy đua điên cuồng giữa ông với tử thần. Giống như rất
nhiều nhà Thơ mới, cảm xúc tình yêu của Hàn Mặc Tử gắn liền với hình tượng thiếu
nữ. Dẫu vậy, đối tượng thẩm mĩ của ông vẫn mang nét độc đáo riêng. Đó là những
người con gái có hình thể gợi cảm: đôi má nõn, cái môi hường, hương nồng, cặp
má đỏ au au, má đỏ hây hây, ngực phập phồng, da thịt, trời ơi, trắng rợn
mình...; phục trang đầy sắc màu: tà áo biếc, yếm đào, vạt áo màu nâu, áo
xiêm lấm tấm vàng...; và hương thơm trinh bạch toát ra từ thể xác lẫn tâm hồn:
Xác cô thơm quá, thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình/ Thinh sắc cơ hồ
lưu luyến mãi/ Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh... Vẻ đẹp giai nhân càng
trở nên đặc biệt khi được nhà thơ khắc chạm trên nền không - thời gian hết sức
hữu tình. Mọi vật đều tràn ứ nhựa sống, đều trong trạng thái rộn rực, ngất
ngây. Có một nguồn linh khí đang toả lan trong không gian, khiến cho hoa lá thì
“ngây tình không muốn động”, trăng thì “sóng soãi trên cành liễu”,
và tiếng ca thì “hổn hển như lời của nước mây”. Trong không gian “hoa
gió đã tình si” ấy, con người cũng rạo rực “dậy thì”. Cách mô tả này
quả thực đã đem lại những cảm giác nhục thể lạ lẫm và khêu gợi.
Tuy nhiên, giữa Em và cái tôi thi nhân luôn hiện hữu một
khoảng cách khó lòng khỏa lấp. Đó không chỉ là cái khoảng cách giữa “bên này”
và “bên kia” một “bờ liễu”, một “khóm thuỳ dương” mà còn
là sự cách biệt giữa hai thế giới tinh thần: Anh nằm ngoài sự thực/ Em ngồi
trong chiêm bao... Do vậy, giai nhân thường hiện lên trong một vẻ đẹp thật
xa xôi, khó lòng nắm giữ. Chẳng hạn ở Mơ hoa, Em xuất hiện như
trong một giấc mơ cùng với khói trầm, sương, hoa khói, bụi mờ, tiếng sao
rơi, ánh trăng xanh... Đó là những “chất liệu” để nhà thơ tạo nên một không
gian đầy mơ màng, mê hoặc, trong đó, hình bóng người con gái cũng dần biến tan
đi như một hơi thở nhẹ: Gió thở hay là hoa thở nhỉ?/ Ô hay người đẹp biến ra
hơi. Có thể nói Em là biểu trưng của những giấc mơ tình yêu đầy hư ảo. Hình
tượng này còn gợi liên tưởng đến hình ảnh Đức Mẹ thiêng liêng, trong con mắt ngắm
nguyện đầy tôn kính của một con chiên ngoan đạo (Hàn Mặc Tử là một tín đồ Thiên
chúa giáo, và phải chăng, cách mô tả này chịu ảnh hưởng điều đó?). Đó còn là hiện
thân của một thế giới khác, nơi đi về của cái Đẹp, hương thơm và ánh sáng.
Nhưng đấy cũng là một cõi “cách xa ngàn thế giới”, ngoài tầm tay Hàn Mặc
Tử và để đến nơi ấy, thi nhân chỉ còn cách “lặng nhìn trong mộng miệng em cười”.
Điều này sẽ đem lại những phản ứng
tâm lí - thẩm mĩ đối nghịch khá đặc thù. Một mặt, Hàn Mặc Tử thường hướng đến
hình bóng Em để thở than, hờn giận: Ta trút linh hồn giữa lúc đây/ Gió sầu
vô hạn nuối trong cây/ Còn em sao chẳng hay gì cả?/ Xin để tang anh đến vạn
ngày... Thậm chí, trong đau thương cùng cực, ông viết: Trời hỡi làm sao
cho khỏi đói!/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn?/ Làm sao giết được người trong mộng/
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?... Nhưng nghịch lí là, khi có cơ hội tiếp
xúc gần hơn với đối tượng, kẻ si tình này lại rơi vào một tình trạng đầy hoang
mang, dè dặt: “nép mình”, “hé nhìn”, “chẳng nói ra”, “đứng lặng”... Đấy
không phải là tư thế trữ tình theo kiểu tình yêu học trò đầy e ấp trong những vần
thơ “áo trắng” của Huy Cận. Như đã nói trên, thơ tình Hàn Mặc Tử mang đậm cảm
giác nhục thể. Nó xuất phát từ tình yêu mãnh liệt trong một thân xác bị giày vò
bởi bệnh tật, song chính bởi vậy mà khát vọng yêu đương ấy càng trở nên cháy bỏng.
Tuy nhiên bệnh tật, nỗi đau, cái chết... cũng hằn lên trong tâm hồn nhà thơ một
mặc cảm tuyệt vọng. Không ngẫu nhiên mà ông luôn nhìn sự chia lìa trong cuộc đời
như một tất yếu định mệnh: Lòng thi sỹ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có
thành là mộng ở đầu hôm... Đó là một đập chắn tâm lí đầy chua xót mà khi vấp
phải nó, những đợt sóng tình yêu dù mãnh liệt si cuồng đến mấy cũng đành âm thầm
thoái lui. Nhà thơ vừa sợ hãi tình yêu vừa khao khát chờ đợi nó, và như con thú
trong hang sâu, ông cô độc vật vã với những vết thương tình ái: Họ đã xa rồi
khôn níu lại/ Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa/ Người đi, một nửa hồn tôi mất/
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ... Điều này tạo nên tính chất phân cực cao độ
trong thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử mà biểu hiện cụ thể nhất là sự phân cực
giữa Em và Tôi. Rộng hơn, đấy là sự phân cực giữa ước mơ và thực tại. Sâu hơn,
đấy là sự phân cực giữa Sự sống và Cái chết.
Dùng thân xác như một phương tiện cảm biết thế giới, và
soi ngắm thế giới qua sự hiện hữu của thân xác, đấy là một nét thi pháp độc đáo
của thơ Hàn Mặc Tử, cũng là một trong những đặc điểm nghệ thuật gây ấn tượng mạnh
với độc giả. Dĩ nhiên, không phải Hàn Mặc Tử là người duy nhất trong phong trào
Thơ mới chọn cách diễn tả này (người ta thường vẫn nhắc đến tính chất nhục thể
lộ liễu trong thơ tình Xuân Diệu đấy thôi!), song đến lượt mình, ông đã đẩy
cách nói ấy đến điểm “tột cùng”.
Ở đây, miệng là một biểu tượng
rất đáng chú ý. Xuất phát từ hình dáng và chức năng cụ thể của nó, miệng
gợi nên hình ảnh cái cửa, nơi thông hành của hơi thở, lời nói, thức ăn, và rộng
hơn, là cửa ngõ của sự sống. Hình ảnh miệng cũng gợi liên tưởng về cái
hôn, sự gắn kết xác thịt đầu tiên và đầy ý nghĩa trong tình yêu trai gái. Nhưng
như một cánh cửa, có thể mở ra và khép chặt, miệng có thể đem lại sự sống
bởi thức ăn, bởi những lời âu yếm và cũng có thể phá huỷ cuộc sống và tình yêu
bằng chính những gì mà nó mang lại. Với đôi môi và hàm răng, nó có thể đem lại
cảm giác ngọt ngào nhất và cũng có thể là cảm giác đau đớn nhất. Ấy là điểm
giao nhau giữa linh hồn và xác thịt, giữa thiên đường và địa ngục, giữa nhân
tính và thú tính... Chính bởi vậy, sự xuất hiện dày đặc của hình ảnh miệng
(cùng với các bộ phận gắn liền như môi, hàm răng, cuống họng và các hoạt
động của nó như: hớp, đớp, cắn, ngậm, mớm, nhai, mửa, khạc, há, hút, hộc, ọc...),
một mặt, có thể gây dị ứng cho ai đó bởi cảm giác bệnh hoạn hay bất nhã. Nhưng
mặt khác, cùng những hoạt động “đến độ” của nó, miệng là biểu tượng tập
trung nhất của nỗi thèm khát tình yêu và sự sống trong cái tôi Hàn Mặc Tử. Điều
này giải thích vì sao trong thi sĩ, ấn tượng về một gái quê lại là: Làn môi
mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm; vì sao khi chia lìa,
ông lại đòi người tình: Xưa thứ gì dính dáng ở đầu môi/ Nay trả lại để tôi
làm dấu tích; và vì sao nỗi nhớ tình yêu của ông trong đỉnh điểm, luôn gắn
liền với hàm răng và khuôn miệng cố nhân: Nhớ lắm lúc như si như dại/ Nhớ
làm sao bải hoải tay chân/ Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng/ Mà ngày nào đó vẫn khăng
khít nhiều...
Tay là một biểu tượng đáng chú ý khác. Bộ
phận cơ thể này chủ yếu được mô tả qua các hoạt động: níu, ngoắt, giơ, cầm,
quàng, nắm, ôm, gò, gỡ, lượm, vớt, vo, siết, ràng rịt... Con người tiếp xúc
với thế giới bằng bàn tay và nhận biết về thế giới qua cảm giác của đôi tay.
Bàn tay giúp định dạng, định lượng sự vật, tìm kiếm và nắm giữ, tạo nên sự vật
mới và phá huỷ chúng. Qua hoạt động của đôi tay ấy, người ta nhận ra đặc điểm của
thế giới của Hàn Mặc Tử, đó là thế giới của vật thể và hình khối, thế giới
không được nhìn thấy, mà được sờ thấy. Thi sĩ vật chất hóa cả những ý niệm,
trạng thái trừu tượng, do đó, ông có thể giết thời gian trong nắm tay và
vo mến tiếc như vo lụa, hay dang tay mà vớt lấy/ Mùi hương trong nếp
áo xiêm rơi... Bàn tay, do vậy, đã đóng vai trò của một con mắt. Tuy nhiên,
sự hoán đổi vị trí của thị giác và xúc giác này cũng khiến người ta nghĩ đến một
đặc điểm nữa trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử: đó là thế giới của những ảo giác kì
dị và giữa cõi “hư thực làm sao phân biệt được” ấy, thật khó để nhìn bằng
con mắt thông thường. Đồng thời, những hoạt động của đôi tay, trong thơ tác giả
này cũng gợi ra một ý nghĩa đặc biệt, nhất là hình ảnh Bây giờ tôi dại tôi
điên/ Chắp tay tôi lạy cả miền không gian. Đấy không chỉ là hình ảnh của một
tín đồ trước thánh tượng thiêng liêng mà còn là hình ảnh của một con người tìm
kiếm và bất lực. Đôi tay nối dài sự kiếm tìm, giao cảm, nhưng cũng chính nó cho
thấy rõ hơn khoảng cách chua xót giữa thi sĩ và cái đích ông tìm kiếm. Như vậy,
miệng và tay, trong cách diễn tả của Hàn Mặc Tử, trở thành phương
tiện để giao kết thi nhân với người tình, với thế giới một cách cụ thể, trần tục
và khăng khít nhất, đồng thời, chúng cũng cho thấy những khao khát tận độ và những
nỗ lực tuyệt vọng của nhà thơ trên hành trình tìm kiếm tình yêu và sự sống.
Tiếng nói nội tâm mãnh liệt đến dị thường của Hàn Mặc Tử
chi phối khá rõ đến cách tổ chức ngôn từ và hình tượng. Nếu nhìn trên bề mặt
câu chữ, kết cấu thơ Hàn Mặc Tử thường có vẻ khá tuỳ hứng và lỏng lẻo. Có thể
thấy rõ điều này trong các bài Trút linh hồn, Muôn năm sầu thảm, Những giọt
lệ... hoặc chùm thơ viết về trăng: Ngủ với trăng, Say
trăng, Rượt trăng, Một miệng trăng... Những bài này thường mở đầu đầy đột
ngột và kết thúc cũng khá bất ngờ. Câu chữ trong toàn bài dường như không mấy
ăn nhập cùng nhau. Mỗi hình ảnh là một bất ngờ đột hiện với những ảo ảnh chồng
chéo, những vang hưởng kì dị từ trong thăm thẳm tiềm thức. Đây là trích đoạn Một
miệng trăng:
Cả
miệng ta trăng là trăng!
Cả
lòng ta vô số gái hồng nhan;
Ta
nhả ra đây một nàng
Cho
mây lặng lờ cho nước ngất ngây
Cho
vì sao rụng xuống mái rừng say
Gió
thổi rào rào như lá đổ,
Suối
gì trong trắng vẫn đồng trinh.
Bóng
ai theo rõi bóng mình,
Bóng
nàng yêu tinh,
Dịp
cười như tiếng vỡ pha lê
Thưa,
tôi không dám say mê
Một
mai tôi chết bên khe ngọc tuyền
Bây
giờ tôi dại tôi điên
Chắp
tay tôi lạy cả miền không gian...
Ngay ở những bài thơ tưởng chừng dễ
hiểu, chẳng hạn Đây thôn Vĩ Dạ, giữa các khổ cũng luôn có một sự
đứt nối chập chờn trong ý nghĩa câu chữ và mạch cảm xúc. Thơ Hàn Mặc Tử cũng xuất
hiện khá nhiều câu hỏi, chúng tạo nên một độ vang, độ ám ảnh đặc biệt. Nếu với
Xuân Diệu, việc đặt câu hỏi thường đi cùng việc cắt nghĩa, giải đáp khá rốt ráo
và rành mạch, thì với Hàn Mặc Tử, câu hỏi được cất lên chính vì chúng dường như
không thể trả lời. Nhiều khi chúng giống như một lời buột thốt, một cái giật
mình trong cơn mộng mị: Gió thở hay là hoa thở nhỉ?/ Ô hay người ngọc biến
ra hơi; Sao bông phượng nở trong màu huyết?/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt
châu?... Nhưng cũng bởi vậy mà thế giới thơ Hàn Mặc Tử không bao giờ xuôi
chiều và đơn nghĩa, dường như luôn có một “thực tại khác”, một siêu thực tại
ẩn tàng sau bề mặt phi logic ấy, chúng hé lộ một vẻ đẹp chói loà, kì vĩ nhưng đầy
khắc khoải. Điều này dường như ngay cả nhà thơ cũng không ý thức được, dù ông sống
trong đó, yêu thương và đớn đau, mê dại trong đó.
Thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đầy
siêu thực. Thế giới ấy là phóng chiếu, thăng hoa của những ẩn ức tình yêu không
thoả mãn, những dằng xé, đau đớn tột cùng trong trong tâm hồn và thể xác thi
sĩ. Đấy là thế giới của mộng mị, của những ảo giác hư thực, chập chờn. Tuy
nhiên, nếu như một số tác giả Thơ mới có thể mô tả, thậm chí phân tích những
mơ, mộng của mình một cách khá rành rõ thì Hàn Mặc Tử không thể tách rời bản
thân khỏi giấc mơ ấy, ông sống cùng với nó, sống trong nó, trong tất cả nỗi đớn
đau, hy vọng và tuyệt vọng: Ông cũng chính là giấc mơ đó. Tính siêu thực
ở đây không phải kết quả của những thao tác kĩ thuật như chủ nghĩa siêu thực
phương Tây đề xướng, mà là “âm vọng” của những vật vã, giằng xé trong vô thức,
là “phản hưởng” của những kiếm tìm dằng dặc trong cõi tâm linh thăm thẳm. Có lẽ
chính bởi vậy mà sáng tạo của ông đã vượt ra ngoài đường biên giới của thơ lãng
mạn và đạt đến những giá trị thẩm mĩ, nhân văn mới, sâu sắc và hiện đại. Có thể
nói, thơ Hàn Mặc Tử đã cho người đọc nhận ra chân dung đích thực của thi nhân
và cũng chính nó đã đưa ông từ thế giới của “thơ điên” trở về với cõi người,
cõi đời, trong sự ngưỡng mộ và đồng cảm.
Vinh,
7/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét