Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Mộng hóa trong Thơ Mới

 “MỘNG HOÁ”, 
MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG THƠ MỚI

                                                                                                                                         Lê Hồ Quang
Trong Thơ mới, từ mộng được sử dụng với một tần số khá cao, với nhiều ý nghĩa và đấy cũng là một tín hiệu nghệ thuật đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý. Khi sử dụng lại và đặt nó trong kết hợp từ mộng hoá, trước hết, tôi muốn gợi nhắc một cách diễn đạt mang dấu ấn riêng của các nhà Thơ mới, đồng thời, qua đó nhằm định danh một thủ pháp mô tả phổ biến của họ. Như vậy, mộng hoá là một tên gọi mang tính quy ước nhằm chỉ những kĩ thuật lựa chọn và tổ chức hình ảnh, ngôn ngữ theo những cách thức riêng biệt, độc đáo và bằng sự lựa chọn, tổ chức ấy, biến những sự vật, hiện tượng được mô tả trở nên gợi cảm, thi vị. Tất nhiên, gắn với thủ pháp mô tả ấy là một quan niệm, lí tưởng thẩm mĩ riêng về hiện thực, về hoạt động sáng tạo của các tác giả.
Hãy bắt đầu từ một biểu hiện tập trung nhất của thủ pháp này: cách sử dụng từ mộng. Đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã lưu ý, mộng là một tín hiệu ngôn ngữ đặc biệt trong Thơ mới. Nó được dùng với nhiều nghĩa: có khi như một tính từ chỉ tính chất của sự vật, hiện tượng, chẳng hạn: thơ mộng, mơ mộng...; có khi như một động từ chỉ trạng thái tâm sinh lí của con người, chẳng hạn: nằm mộng, mộng mị...; có khi như một danh từ chỉ điều mơ ước và mong muốn biến nó thành sự thật như trong ước mộng, giấc mộng hoặc chỉ một xứ sở đẹp đẽ và nên thơ, đối lập với thực tại như trong xứ mộng, cõi mộng... Tuy nhiên, trên thực tế sáng tác, các lớp nghĩa của từ này không hoàn toàn tách rời nhau. Khi sử dụng ngôn từ, dường như các nhà Thơ mới luôn cố gắng tạo ra một độ mờ nhoè cao nhất về nghĩa, và do đó, giữa các lớp ý nghĩa, hình ảnh thơ thường có sự đan bện, giao thoa, rất khó tách bạch rạch ròi. Từ mộng thường được kết hợp với những từ ngữ cùng trường nghĩa như mơ, giấc mơ, giấc mộng, mê, chiêm bao... hoặc trường tính chất, cảm giác tương ứng như mơ màng, mơ mòng, mộng mị, thơ mộng... hoặc trường hình ảnh, sự vật mô tả mang vẻ đẹp mộng mơ, thi vị, chẳng hạn: thiếu nữ, tình yêu, thiên nhiên, giấc mơ, nỗi buồn, thơ ca, âm nhạc.... Do vậy, mộng vừa gợi hình ảnh một giấc mơ, cõi mơ vừa gợi tính chất nhập nhoà và mơ hồ, đầy ảo diệu của nó, vừa khiến nghĩ đến một hành động, trạng thái (mơ, mơ mộng), vừa gợi ra những tính chất, hiệu quả mà nó mang lại (cảm xúc, chất thơ, sự thi vị). Giữa mộng - tình - thơ là một mối quan hệ không thể tách rời: mộng vừa là cái điều kiện cần, vừa là yếu tố quyết định đồng thời là kết quả phải đạt tới của sáng tạo.
Từ mộng, trong những kết hợp ngôn ngữ hạn chế hơn, cũng cho thấy ý thức tạo độ nhoè ngữ nghĩa theo hướng ảo hoá, thi vị hoá của các tác giả. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy cấu trúc danh từ + mộng thường được sử dụng khá phổ biến trong Thơ mới, chẳng hạn: tình mộng, xuân mộng, chiều mộng, cảnh mộng, hoa mộng, vườn mộng, cửa mộng, gối mộng, cánh mộng v.v. Trong những tổ hợp từ này, với tư cách là định ngữ, mộng xoá nhoà đi những đặc điểm, tính chất cụ thể, xác thực của những tình, xuân, hoa, cảnh, vườn... và bao quanh chúng một đường viền mờ ảo đầy rung động. Ở đây, từ mộng vừa được dùng để định danh vừa được dùng để định tính đối tượng mô tả, đó là những sự vật, hiện tượng đầy thơ mộng, đẹp đẽ, chúng được ngầm phân biệt với những sự vật, hiện tượng không mộng, không đẹp khác. Dĩ nhiên, đấy là một sự định danh, định tính đầy chủ quan của chủ thể sáng tạo. Kiểu kết hợp giữa một ý niệm mơ hồ, trừu tượng với những sự vật hiện tượng cụ thể, xác thực tạo nên một vẻ đẹp mới đầy thơ mộng, lạ lẫm cho những sự vật vốn quen thuộc, bình thường. Chính bởi vậy, Bích Khê có thể viết: Bao giờ cho mộng nở hoa?/ Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi?; hoặc Xuân Diệu: Một tiếng cò qua trong gió mau/ Đưa hồn nhớ cảnh đã phai màu/ Từ năm giống ái vừa gieo hạt/ Cho đến bây giờ mộng chín au... Có thể nói trong Thơ mới, lối kết hợp câu chữ, hình ảnh thơ theo lối mộng hoá đã trở thành một thói quen thẩm mĩ.
Nhằm tạo hiệu quả mộng hóa, các nhà Thơ mới không thể bỏ qua việc sử dụng yếu tố thiên nhiên. Thật ra, miêu tả thiên nhiên là một truyền thống của thi ca, nhất là ở phương Đông. Nhưng trong thơ trung đại, bị chi phối bởi hệ thống quy ước cổ điển, những hình ảnh thiên nhiên thường được mô tả như biểu hiện của những quy luật của vũ trụ sâu xa, phổ quát. Trong những tín hiệu dù nhỏ bé nhất như một chiếc lá rụng hay một nhành mai nở, người xưa đều nhận ra trong đó hình ảnh của Đạo. Do vậy, thực chất những hình ảnh tùng, cúc, trúc, mai hay liễu, hoa, trăng, lá vàng... đều là những quy ước nghệ thuật và chỉ được đưa vào thơ theo một cơ chế tuyển lựa nghiêm nhặt. Nhưng đến thời Thơ mới, thiên nhiên được quan niệm trước hết là một hiện tượng thẩm mĩ. Ý nghĩa, vẻ đẹp cốt yếu của thiên nhiên nằm trong sự sinh động, gợi cảm, trong tính thơ của nó. Với nhãn quan mô tả này, hệ thống quy ước cổ điển bị phá vỡ, những hình ảnh, sắc thái thiên nhiên được đưa vào thơ với nhiều vẻ tươi mát, cụ thể,  và hết sức đa dạng.
Sử dụng yếu tố giấc mơ, yếu tố tưởng tượng, phi thực cũng là một thao tác mộng hoá thường thấy trong Thơ mới. Với nhiều tác giả, chẳng hạn Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng... giấc mơ không chỉ là cái đối tượng mô tả mà đã trở thành một thủ pháp để họ diễn tả cái “hư huyễn” của tâm hồn, tâm linh - cõi “Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt ra hẳn ngoài hư linh” (Hàn Mặc Tử) - cái mà thứ ngôn ngữ lí tính rõ ràng, tỉnh táo không thể nào diễn tả. Nghĩa là giấc mơ được sử dụng như một thứ ngôn ngữ đặc biệt nhằm tạo nên hiệu quả mộng hoá cao nhất. Thay cho việc đứng tách ra để kể, tả về giấc mơ như một thứ đã diễn ra, đã hoàn tất, bên ngoài con người, nhà thơ nhập hẳn vào những trạng thái mộng mị ấy, sống trọn vẹn trong những cảm giác, ảo giác phi lí, lạ lùng nhất. Qua những thao tác mô tả này, thế giới thường hiện lên như một giấc mơ đứt nối chập chờn với những cảm giác mơ hồ hư thực, những hình ảnh như từ tiềm thức vụt hiện, những ảo giác kì dị, thậm chí điên loạn, không thể lí giải... Bằng “ngôn ngữ” của những giấc mơ, các thi sĩ Thơ mới đã sáng tạo ra một thế giới còn thực hơn cả chính hiện thực: thế giới của mơ ước, của khát vọng, của những năng lực tinh thần. Chính bằng thứ ngôn ngữ này, trong nhiều sáng tác, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng... đã bước chân từ địa hạt lãng mạn sang địa hạt của tượng trưng, siêu thực và điều này đã tạo nên những hiệu ứng thi ca đầy ám ảnh.
Thủ pháp mộng hoá còn bao hàm cả thao tác lựa chọn và cải biến, “khắc phục” tính chất vật liệu mô tả theo hướng đẹp, thi vị. Trước hết, vật liệu mô tả cần đạt tới “tiêu chuẩn” mộng, mơ của nghệ sĩ. Mộng - tình - thơ, trong nhãn quan Thơ mới, là những vật liệu hết sức phù hợp để xây dựng một thế giới tình yêu đẹp, lãng mạn. Điều này giải thích vì sao được lựa chọn mô tả trong thơ tình thuộc Thơ mới thường là hoa, lá, trăng, sao, mây, sương, ngọc, ngà, hương thơ, tiếng nhạc, người thục nữ... mà không phải là những sự vật thông tục và suồng sã hơn. Cho nên, ngay cả mộng, mơ - thủ pháp mô tả, tình yêu - đối tượng mô tả và thơ ca, chất thơ - cái đích nghệ thuật cần đạt tới, cũng có khi trở thành chính vật liệu mô tả. Nhằm mục đích tạo nên một ấn tượng mơ mộng cao nhất, các nhà thơ thường đồng nhất đối tượng mô tả với chính thơ ca hoặc chất thơ, tính thơ.
Bản thân chất liệu “mộng”, tình yêu và thơ ca đã đem lại ấn tượng ngọt ngào, nên thơ. Tuy nhiên, trong trường hợp vật liệu không đẹp, không thơ thì nhiệm vụ của thủ pháp mộng hoá sẽ phải “cải biến”, “khắc phục” thuộc tính ban đầu của chúng. Chẳng hạn trường hợp “vật liệu” thân xác, dục tình, loã thể... trong thơ Bích Khê: bằng việc lồng vào đối tượng miêu tả những cảm giác, rung động tươi tắn, “tức thì” của chủ thể trữ tình; đưa ra những liên tưởng, so sánh nên thơ, biến những hình ảnh, sự vật cụ thể trở nên trừu tượng, vô hình trở nên hữu hình hoặc ngược lại; đặt đối tượng mô tả trong những không gian, thời gian đặc biệt, đầy thanh âm, ánh sáng, hương thơm v.v.; tác giả đã khiến những sự vật, hiện tượng vốn gây cảm giác ghê rợn, khủng khiếp (sọ người, xác thịt, tinh huyết, máu xương) hoặc dung tục, dâm đãng (khoả thân, loã thể, đùi, vú)... trong tác phẩm của ông, thoát ra ngoài ý nghĩa “tả thực” để mang những ý nghĩa nghệ thuật mới, giàu tính tượng trưng và do đó, rộng lớn hơn rất nhiều so với hình ảnh bề mặt của chúng. Ở đây, “vật liệu” được cải biến theo nhãn quan và mục đích mô tả của thi sĩ: chúng đã được mộng hoá. Điều này cũng đúng với trường hợp thơ Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng... và nhiều tác giả Thơ mới khác.
Một cách khái quát, có thể nói, mơ, mộng được các nhà Thơ mới sử dụng như một thứ “ngôn ngữ” nghệ thuật độc đáo, với ba ý nghĩa nổi bật: a) Nó lạ hoá cái thế giới thực tại, “phá vỡ tính tự động, máy móc của sự cảm thụ bằng cách tạo ra một cái nhìn mới, “khác lạ” vào các sự vật, hiện tượng quen thuộc, phá vỡ những “khuôn hình” đã quen để người ta có thể nhận ra các ý nghĩa mới của sự vật và nhân sinh.” [1, 118]; b) Như vậy, nó là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng một cách có ý thức: dùng mơ ước, tưởng tượng để khẳng định khát vọng và ý nghĩa tồn tại; dùng mơ mộng, tưởng tượng để chống lại thực tại, vượt lên thực tại; c) Về mặt mĩ học, nó là một phản ứng chống lại tính trật tự duy lí, nghèo nàn và cứng nhắc của hệ quy ước nghệ thuật cổ điển; xác lập và khẳng định hệ quy ước thẩm mĩ lãng mạn, hiện đại.
Tóm lại, mộng hoá là thủ pháp lựa chọn và “cải biến” vật liệu ngôn từ, hình ảnh theo hướng mĩ hoá, nhằm đem lại vẻ đẹp và chất thơ cho thế giới nghệ thuật được tạo nên dưới ngòi bút nghệ sĩ. Đây là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng của Thơ mới. Nó gắn liền với quan niệm nghệ thuật, quan niệm thơ lãng mạn. Chính bởi vậy, hiện tượng nhiều nhà thơ đương đại cố ý đưa vào sáng tác của họ không chỉ những “vật liệu”, “chất liệu” “phi thơ” theo quan niệm truyền thống, mà còn cố gắng tạo nên những cách nói, cách diễn tả nhằm tô đậm những ấn tượng thông tục, suồng sã về chúng là không  ngẫu nhiên. Có thể nói rằng, đấy là một sự “gây hấn” đầy ý thức của các nhà thơ đương đại với cảm quan lãng mạn của Thơ mới, từ một tiêu điểm nghệ thuật cụ thể, trong nỗ lực thúc đẩy thơ ca tiếp tục phát triển theo hướng cách tân và đa dạng hoá.
                                                                        Vinh, 2007

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Trần Đình Sử bổ sung, chỉnh lí, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Hà Nội.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét