Lê Hồ Quang
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Hàn Mặc Tử
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà? [1]
Rõ ràng có một thế giới thiên nhiên rất thực đã và đang tồn tại trong Đây thôn Vĩ Dạ. Đó là thế giới của "vườn ai mướt quá”, của “lá trúc che ngang” và “thuyền ai đậu bến sông trăng đó”… đầy tình tứ. Một thế giới xôn xao của ánh sáng và sắc màu song vẫn gợi lên sắc thái cổ điển. Mỗi hình ảnh, sự vật đều rất nổi nét trong những hình vẻ cụ thể, trong cả những câu mà tất thảy như bị nhòe mờ đi sau một màn sương khói mông lung vô tình hay hữu ý. Những “nắng”, “vườn”, “con thuyền”, “vầng trăng” và “em” nữa, tất cả tạo nên tập hợp hình ảnh cuộc đời sống động trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông, trong cảnh ngộ riêng bi kịch, bị gạt ra ngoài guồng quay của nó và chỉ có thể đứng từ xa để ngưỡng vọng và khao khát. Tác giả rất chú trọng tới việc mô tả thiên nhiên trong sự gợi cảm như vốn có. Thậm chí, để tăng tính xác thực cho những thông tin hình ảnh, ông còn tái hiện cả những tiếng reo thầm, những câu hỏi, những lời xuýt xoa của chính mình (Vườn ai mướt quá!... Thuyền ai đậu bến sông trăng đó… Khách đường xa! khách đường xa!)... Hiệu quả là ông đã tạo nên trong 12 câu thơ một bức tranh thiên nhiên đậm chất tạo hình. Song Đây thôn Vĩ Dạ không đơn thuần là một bức tranh tả thực.
Hàn Mặc Tử đã
tái hiện một không gian quá khứ tràn đầy ánh nắng, đó là sự dồn nén của lớp lớp
thời gian trong một khoảnh khắc, gợi nhớ thứ ánh sáng từng phản chiếu
rực rỡ kì lạ trong những bức vẽ ngoài trời của Claude Monet (Pháp). Tất cả đã
trôi qua và tất cả cũng đã dừng lại trong cái khoảng khắc kì diệu ấy của nghệ
thuật, nguyên vẹn và tinh khôi như “thuở càn khôn mới
dựng lên”. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết: “nắng hàng
cau, nắng mới lên”. Ta cũng có thể đọc khác đi một chút: (đấy
là) nắng hàng cau (và đấy là) nắng mới lên. Hai lần chữ “nắng” điệp
lại, mở ra trong trong tâm trí của con người một không gian chan hoà ánh sáng.
Từ một hình ảnh cụ thể, “nắng” đã trở thành một biểu tượng đầy ám
ảnh của quá khứ.
Biến những hình ảnh riêng lẻ, cảm tính thành những biểu tượng sâu xa,
giàu sức gợi, đó là nghệ thuật diễn tả độc đáo trong Đây thôn Vĩ
Dạ. Ở đây, hình ảnh được hiểu như là những dạng thức tạo hình cụ thể,
sống động mà người ta có thể tri giác một cách trực tiếp. Hình tượng trong nghệ
thuật, đặc biệt trong tác phẩm văn học, muốn đến được với độc giả, đều phải
được "tạo hình" qua chi tiết, hình ảnh, bởi xét đến cùng,
chúng là những hiện tượng tinh thần. Phải hiểu được cái thế giới hình tượng được
thiết lập nên từ những hình ảnh cụ thể đó, độc giả mới có thể khám phá, lí giải
được các lớp nội dung hàm chứa trong tác phẩm. Có những hình ảnh chỉ mang ý
nghĩa định danh, chúng gọi ra những ý niệm về sự vật đúng như
vốn có trong thực tế. Nhưng có những hình ảnh, khi được đưa vào tác phẩm, theo
cách tổ chức nào đó, chúng gợi lên vô số ý nghĩa rộng lớn và trừu tượng hơn,
khác với cái nghĩa thực tế, cụ thể ban đầu. Nói cách khác, những
hình ảnh ấy trở thành cái vỏ vật chất ôm chứa nhiều lớp ý
nghĩa mới, ngoài bản thân chúng, đó là những hình ảnh - biểu tượng.
Có khi biểu tượng nằm sẵn trong ý đồ tác giả, nhưng phần lớn chúng nảy sinh một
cách ngẫu nhiên trong vô thức nghệ sĩ. Nói như Carl Gustav Jung, biểu tượng
"là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ
nghi hoặc của tâm linh và nó không bó chặt gì hết, nó không cắt nghĩa, nó
đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận phía ngoài kia, không
thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ và không có từ nào trong ngôn ngữ của
chúng ta có thể diễn đạt thoả đáng" [2].
Hàn Mặc Tử đã tạo nên một thôn Vĩ với những hình ảnh đầy mê đắm, ngay từ trong
khổ đầu tiên:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Nỗi nhớ đã “nhấc bổng” tác giả lên khỏi mặt đất thực tại và “cho phép” ông sống
lại kỉ niệm trong tột cùng cảm giác của mình. Nhờ sự nhập thân trọn vẹn ấy mà
thôn Vĩ - lẽ ra phải được mô tả như những gì cũ càng trong quá khứ - lại hiện
lên như những hình ảnh tươi mới nhất của hiện tại: Nắng hàng cau, nắng
mới lên, vườn ai mướt quá, xanh như ngọc; lá trúc che ngang mặt chữ điền... Khu
vườn ấy càng được chi tiết hoá, càng trở nên sống động và gợi cảm, càng khêu
gợi trí tưởng tượng, càng khiến người ta nghĩ đến một cái gì đó, sâu hơn và xa
hơn ý nghĩa hiển lộ ở bề mặt hình ảnh. Nói cách khác, tác giả càng mô tả “Vườn
ai” một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng, thì vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà thơ,
ý nghĩa của nó càng bị “biến dạng” so với những hình ảnh thực tế ban đầu.
Trở lại với hoàn cảnh ra đời của bài thơ, có thể thấy, “Vườn ai"
là một không gian ảo mộng tràn đầy ánh sáng và sắc xanh, đối lập hoàn toàn với không gian hiện thực mà tác giả đang phải đối
mặt. Sự đối lập ấy khiến không gian phi thực kia trở nên lung linh hơn, đồng
thời khắc khoải và dằn vặt hơn. Đó là vẻ đẹp của một thiên đường đã mất trong
mắt kẻ tội đồ. Đó là “vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng,
về một hạnh phúc nguyên thuỷ. Hạnh phúc của nguồn trong trẻo mà loại người phải
từ giã ra đi và bị cấm cản đường về” [3].
Cùng với tập hợp những hình ảnh đi kèm (nắng, hàng cau, lá trúc, mặt chữ
điền…), “vườn ai”, trong sự lựa chọn của vô thức, đã trở thành biểu
tượng cho “một cõi đi về” đầy nuối tiếc và khát khao trong thi sĩ.
Khổ thơ thứ hai xuất hiện khá nhiều hình ảnh: gió, mây, dòng nước, hoa bắp, dòng sông, con thuyền, vầng trăng… Nhà
thơ đã “bẻ rời” những sự vật vốn gắn bó, đặt chúng trong các cụm từ có tính đối
xứng, gợi cảm giác phân ly không thể cưỡng lại. Cũng vậy, hình ảnh thuyền, trăng, bến sông, trong hai dòng
thơ cuối khổ sẽ là một vẻ đẹp thi ca dung dị và thơ mộng, nếu tác giả không
liên kết chúng bằng mốc thời gian “tối nay” và đặt giữa tổ hợp hình ảnh quen
thuộc ấy từ “kịp” đầy nỗi niềm:
Thuyền
ai đậu bến sông trăng đó,
Có
chở trăng về kịp tối nay ?
Cách viết bến sông trăng rất dễ gây ra sự nhập
nhằng trong cách hiểu (bến sông hay là bến trăng ? dòng
sông hay là dòng trăng ?). Song, cũng vì vậy mà nghĩa
của thuyền, bến, sông, trăng… bỗng trở nên mờ nhòe, chúng tiết lộ
mà che giấu và che giấu mà tiết lộ. Đặt cạnh những hình ảnh lấp lửng ấy, “tối
nay” bỗng chênh vênh giữa một bên là lớp nghĩa chỉ thời gian xác thực
và một bên là những lớp nghĩa đầy mơ hồ. “Tối nay” phải đâu
chỉ là cái mốc thời gian để cho con thuyền chở trăng kịp về tới bến? Nó còn gợi
ra cái giới hạn nghiệt ngã không thể tránh khỏi của đời người - Cái Chết. Câu
thơ hàm chứa linh cảm khắc khoải của con người về cuộc đời, số phận, chứ đâu
chỉ là những mơ mộng vô tư về sông nước! Vấn đề là, để đi đến những ý nghĩa
rộng lớn và trừu tượng ấy, thi sĩ luôn phát xuất từ hình ảnh cụ thể,
để chúng “nói” với độc giả bằng thứ ngôn ngữ tự thân. Ma lực bí ẩn của những
hình ảnh thơ này chính là ở chỗ chúng nhập nhoà giữa ranh giới chuyển
vượt của cái đã biết và cái còn bị che giấu trong ý nghĩa chúng chuyển
tải.
Khổ thơ cuối ít những hình ảnh cụ thể hơn hẳn so với hai khổ trên,
song kĩ thuật tạo độ nhoè đã được tận dụng triệt để. Điệp khúc “Mơ khách đường
xa, khách đường xa” giống như tiếng vọng trong một giấc mơ. Sương khói “mờ
nhân ảnh” dường như cũng là sương khói bao phủ giấc mơ. Cả màu “áo
em trắng quá” cũng tựa như một ảo giác chập chờn (thực ra, đặt màu áo
trắng trên cái nền khói sương kia cũng là một cách tạo thêm độ nhoè thị giác). Đặt
không gian ấy, hình tượng em càng trở nên mơ hồ, hư ảo. Nhưng phải chăng
đó mới chính là ý nghĩa đích thực của biểu tượng này? Em là hạnh phúc và tình
yêu, và cũng như chính hạnh phúc và tình yêu, mong manh lắm thay!
Bài thơ chỉ có 12 dòng nhưng có đến ba câu hỏi, phân đều cho ba khổ thơ.
Một câu mở đầu và hai câu đứng ở vị trí kết thúc. Những câu hỏi đã liên kết
những hình ảnh bề mặt tác phẩm thành một chỉnh thể thống nhất. Câu hỏi đầu
tiên thực chất là một lời tự vấn, tuy nhiên, tác giả đã mượn lời của khách thể
- cô gái thôn Vĩ - tạo nên một cái cớ rất thơ để nhập cuộc trọn
vẹn cảm xúc. Điều này giải thích vì sao thôn Vĩ có thể
hiện lên với một loạt chi tiết hết sức gợi cảm ở phía sau. Ở đây, câu hỏi đóng
vai trò gợi mở kỉ niệm và “gọi dậy” hình ảnh nhờ quan hệ hô ứng của lời trao -
đáp. Câu hỏi thứ hai nối kết những hình ảnh rời rạc ở bề mặt trong mối liên hệ
ngầm, hé lộ một nội tâm đầy bất an. Chính câu hỏi này đã cho thấy sự hiện diện
rõ hơn của chủ thể trữ tình (cho đến trước đó, anh ta vẫn còn giấu mặt sau những
hình ảnh của thiên nhiên). Tuy nhiên, nỗi xúc động thực của tác giả vẫn bị che
đậy khá kĩ lưỡng sau một loạt hình ảnh mơ hồ, bóng bẩy. Phải đến câu hỏi kết
thúc, nỗi nấu nung buộc tác giả cầm bút mới thực sự lộ diện: Ai biết
tình ai có đậm đà?
Càng ngày, cùng với những câu hỏi, tiếng nói chủ thể trữ tình càng vang lên
mãnh liệt và xúc động hơn. Điều đó diễn ra song song với quá trình nhoè mờ của những
hình ảnh tả thực. Đó là sự giằng co giữa tình cảm và lí trí. Tình cảm thì muốn
thổ lộ, muốn giãi bày, nhưng lí trí thì ngại ngùng, gìn giữ; tình cảm thì muốn
chọn con đường bộc bạch trực tiếp, nhưng lí trí lại mách bảo nên giấu mặt sau
những hình ảnh gián tiếp; tình cảm thì chỉ muốn theo con đường ngắn nhất, nhưng
lí trí lại đi đường vòng của những ẩn ngữ… Sự giằng co vô thức này cho thấy khá
rõ kết cấu nội tại của thi phẩm.
Vừa là hình bóng của quá khứ êm đềm vừa là sự phản chiếu của hiện tại đau
xót, đồng thời thức dậy tương lai với bao hoang mang thắc thỏm, Đây
thôn Vĩ Dạ, nhìn rộng ra, là tiếng nói tinh thần của Hàn Mặc
Tử, khi cận kề bên bờ vực cái chết, không ngừng hướng về cuộc đời, về tình yêu,
trong tột cùng đau thương và hy vọng. Từ
hình ảnh tới biểu tượng là kết quả của những thao tác chọn lựa và kết hợp ngôn
ngữ nhằm tìm kiếm hình thức diễn tả phù hợp với
tiếng nói nội tâm phức tạp của con người. Tất nhiên, như đã nói ở trên, quá
trình thao tác ấy không chỉ được “vận hành” bởi hữu thức mà còn bởi vô thức. Điều
đó mở ra những khoảng trắng bí ẩn trong tác phẩm, cho phép độc giả tiếp
tục tìm kiếm những ý nghĩa mới.
Vinh, 7/ 2005
[1] Nhiều tác giả (1999), Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, Lại Nguyên Ân tập hợp và biên tập, Nxb Hội Nhà văn.
[2] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (nhiều người dịch), Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, trang XXIV - XXV.
[3] Lê Huy Bắc tuyển chọn và giới thiệu (2001), Thẩm bình tác phẩm văn học trong nhà trường (tập 3), Đây thôn Vĩ Dạ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 128.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét