Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Tình ca ban mai - Chế Lan Viên

MAI, HOA EM LẠI VỀ
(Về bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên)

                                                                                                           
                                                                                                     Lê Hồ Quang                        
Xa cách trong tình yêu tựa như nốt lặng giữa những thanh âm dồn dập say mê. Đó là thời gian để tự lắng nghe và kiểm nghiệm lại nhưng giá trị tình cảm của chính mình. Một nhà văn nước ngoài từng nói: “Tình yêu trong xa cách ví như lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn". Tình ca ban mai cũng là một ngọn lửa trong gió, một hợp âm xôn xao tình yêu và khát vọng. Với tuần tự hai câu thơ năm chữ một, bài thơ vừa khép lại trong những mơ màng suy tưởng, vừa mở ra biết bao thao thức, lo âu. Những rung vang lạ trên rất nhiều khoảng trắng.
Mở đầu bài thơ, tác giả bắt ngay vào hiện thực chia cắt - Em đi:
Em đi như chiều đi
Tại sao lại là “chiều đi” mà không phải là “chiều xuống" hoặc “chiều tàn”, những từ đều diễn tả cùng một trạng thái thời gian? Điều này có thể do tâm thế cuộc chia tay quyết định, không phải “ra đi là xa biệt” mà chia tay là để tái ngộ. Tất cả mới chỉ là bắt đầu, còn ở thế vận động và tiếp diễn. Trong âm thanh điệp lại (đi- i) tựa hơi gió buồn rầu xa hút ấy, đã hé lộ một tâm trạng khắc khoải xáo động.
Hiện tại nối liền quá khứ, quá khứ nối liền hiện tại. Trong nỗi cô đơn, những kỉ niệm ngọt ngào trở về như một đối sánh tất yếu:
Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc


Em ở trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya
RảI hạt vàng chi chít
Em đi, Em về, Em ở, Tình em… toàn em, đầy ắp em trong cái tâm trạng bắt đầu bời bời kỉ niệm. Từ trước gọi từ sau trong sự liên tưởng đối lập. “Em đi”, đồng nghĩa với nỗi cô đơn sâu thẳm, như khu vườn quạnh hiu khi hoàng hôn thưa vắng tiếng chim, là sự lụi tàn. “Em về”, như ban mai tươi trẻ bình yên, mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, đồng nghĩa với tình yêu và sự hồi xuân. Dường như em chính là hồn linh của tạo vật, để rồi cùng mỗi bước chân lại gây ra những cảm ứng đột ngột, phi thường: Em đi như chiều đi, Em về tựa mai về, Em ở trời trưa ở…Những so sánh liên tiếp đã đóng đinh ấn tượng chói sáng trong tâm trí độc giả. Chúng gợi cho người đọc chợt nhớ đến những câu thơ của Paul Eluard:

Em đã đến, bếp lửa tàn lại đỏ

Bóng tối lui, sao mọc giữa lạnh lùng
Em đã đến và sự cô đơn đã bại
Anh có người dẫn dắt ở trên đời
         ( Cái chết, tình yêu, cuộc sống)
Mạch thơ chuyển tiếp rất lạ: Sợ gì chim bay đi. Như một lời bâng quơ ném ra giữa không gian vắng lặng. Ai nói và nói với ai ? Rõ ràng, em thì đã vắng mặt. Cũng không thể có người thứ ba xuất hiện trong không gian tâm tưởng này. Vậy thì câu nói ấy là dành để tự nói với mình. Nhưng tại sao lại sợ ? Những câu thơ trước đó đâu có nhắc gì đến nỗi lo sợ? Hãy đọc lại:
Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết.
Chìa khoá là ở đây chăng? “Sợ gì chim bay đi”! Câu thơ như một hòn đá ngầm đột ngột dựng nên ở dòng chảy êm mượt. Thì ra, trong tâm hồn kia, “nỗi lặng im thành sóng vỗ muôn trùng” (Chế Lan Viên). Nói “Sợ gì”, nhưng chính là anh đã sợ. Sự hùng hồn ấy là trá hình của bao nhiêu lo âu thắc thỏm ghen hờn. Dường như nhà thơ đang tự cãi laị mình, tự vỗ về khuyên nhủ chính mình.Phải chăng, đó là một sự cố gắng vượt lên trên tâm thế hiện tại để tự cân bằng? Câu thơ là một sự đột phá của cảm xúc. Bắt đầu từ đây, bắt đầu xuất hiện gương mặt trữ tình của Ta. Chữ Ta gợi một cảm giác rất lạ. Ta chứ không phải là anh hay tôi, bởi đó vừa là mình, vừa đứng cao hơn chính mình. Dường như vừa có sự phân thân vừa có sự hợp nhất giữa hai con người: thảng thốt nghi ngờ và lí trí tỉnh táo. Nếu ở những câu thơ đầu tràn đầy hình ảnh Em, thì ở những câu thơ sau là sự hiện diện của Ta, như một sự đối xứng của tình yêu. Điều này tạo nên một sự hô ứng rất đăng đối nhịp nhàng, trong câu chữ, hình ảnh, cũng như nhịp điệu, giọng điệu thơ. Bài thơ này có rất nhiều cấu trúc đối xứng như vậy: Em/ Ta; Em đi/ Em ở; Ban mai/ Bóng chiều; Nắng trưa / Sao khuya…
Trong niềm hoang mang thắc thỏm, tác giả liên tục tự mình đặt ra những giả thiết rồi lại tìm cách tự giải quyết, cứ thế, âm thầm mà dữ dội cộng trừ nhân chia các dữ liệu tình yêu, ngày càng riết róng, khắc khoải: Sợ gì chim bay đi,  (vì) Tình ta như lộc biếc; (dù cho) nắng trưa không ở (thì) ta vẫn còn sao khuya…Những hình ảnh này, nếu mới đọc lần đầu, cứ ngỡ là một thứ mật ngữ. "Chim bay đi" nghĩa là gì? "Nắng trưa" là gì? "Sao khuya" là gì? Một loạt ẩn dụ đi liền nhau, rất khó xác định.
Thực ra, những hình ảnh này đã có tiền đề từ những câu thơ đầu tiên (Em đi/ Chim bay, Em về/Mai về, Em ở/ Nắng trưa, Tình em/sao khuya) Những hình ảnh này được điệp lại ở những câu thơ sau nhưng không hoàn toàn lặp lại. Hãy đọc lại những câu thơ này :
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Và:

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Em về như mai về cho lộc biếc và tình yêu (của ta với em) là lộc biếc gọi em về. Một bên là Em, một bên là Ta, chất dính kết là ban mai, lộc biếc, những hình ảnh được điệp đi điệp lại thành những ám ảnh lạ.
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hai biểu tượng đi liền nhau (Nắng trưa/ Sao khuya) tạo thành một lớp nghĩa bóng. Mỗi biểu tượng đều được xác định nghĩa từ đầu  (Nắng trưa/ Em ở; Sao khuya/ Tình em). Những câu thơ móc xích vào nhau bằng sự liên tưởng, ý trước gợi mở cho ý sau, ý sau kéo theo ý trước, đan kết song trùng rất mực tài hoa. “Dù / vẫn”, cách noí thật tỉnh táo, triệt để. Nó cho ta thấy lại cái phong cách quen thuộc của Chế Lan Viên: “Quen tuyệt đối hoá vấn đề, nói cho đến cùng, nói cho thật cạn kiệt” (Vương Trí Nhàn), ngay cả trong nỗi đau, “mỗi câu thơ đều muốn vượt lên mình”.
Và giữa bốn bề những căng chùng biến hoá, giọng thơ bỗng rung lên xao xuyến: "Mai, hoa em lại về". Chỉ năm tiếng nhưng có đến ba thông báo: Thời gian (mai), đối tượng (em), hành động (lại về). Chừng ấy có lẽ đã quá đủ với một tâm hồn đang yêu! Lời thơ hân hoan khôn tả. Bởi ngày mai, bởi gương mặt “xinh như hoa, mềm như lụa” của em, hay sự hiện diện sắp tới của em? Có lẽ là tất cả. Có tất cả trong niềm hạnh phúc như nốt đàn căng vừa vỡ ra kia. Phút chốc, những ám ảnh nặng nề tan biến. Câu thơ kết thúc bật sáng cả Tình ca ban mai. Nó giống như sự trở về của cảm xúc sau một loạt triết luận, nối liền điểm đầu bài thơ trong một cảm hứng thống nhất. Câu thơ khép lại nhưng mở ra bao nhiêu yêu thương trong trong một âm hưởng tha thiết ngày càng lan xa: “Tâm hồn anh đã đợi em, bao giờ cũng đợi” (Carlos Pedise). Bài thơ là một kết cấu mở.
So với một số thi sĩ mà số lượng thơ tình dồi dào đến mức có thể làm một “pho từ vị  thì thơ tình Chế Lan Viên không nhiều, chỉ trên dưới năm mươi bài. Và ngay con số này cũng không dễ đọc, dễ cảm, bởi bên cạnh mạch trữ tình thắm thiết, còn có giọng điệu triết luận nặng tính lí trí và nhiều khi lấn át cảm xúc. Nhưng ở những bài thơ thành công của ông, thường là sự kết hợp độc đáo giữa hai giọng điệu trên: vừa trí tuệ, vừa trữ tình, vừa hùng biện tỉnh táo, vừa say đắm nồng nàn. Cùng một lúc, nó đánh cả vào trái tim lẫn cái đầu độc giả. Tình ca ban mai là một ví dụ.
“Mơ ước là hạnh phúc- Chờ đợi là cuộc đời” (V. Hugo). Có bao nhiêu con người trong xa cách, đã thì thầm câu thơ mầu nhiệm: Mai, hoa em lại về…
                                                                                                            Vinh, 1996
 (Bài đã in trong sách Tiếng nói tri âm, Nxb Trẻ, T/C Kiến thức ngày nay, 1996 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét