TÍNH TRIẾT LÝ TRONG THƠ XUÂN DIỆU
(Qua các sáng tác trước Cách mạng 8/1945)
Lê Hồ Quang
Đã thành lời cửa
miệng, khi ai đó định bắt đầu câu chuyện về thơ, những triết lí như thế này: “Thơ
là tiếng nói của những xúc cảm (hoặc tình cảm) mãnh liệt”; “Đến với thơ là đến
với những tâm sự sâu kín của con người”; “Hãy đập vào tim anh, thiên tài là nơi
đó " v.v. Và cũng đã trở thành phổ biến, quan niệm cho rằng sáng tác thơ
là chuyện thuần tuý xúc cảm, sự can thiệp của những thao tác lý trí có thể sẽ
phá hỏng cái không khí trữ tình đầy mê hoặc vốn là đặc tính mà cũng là bản chất
của thi ca. Hẳn Xuân Diệu cũng từng nghĩ vậy khi viết:
Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cầm ca! Tôi chỉ thương
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương
(Vì
sao)
Trong một sáng tác
khác, ông cũng nhắc lại:
Hãy để yên, tôi dệt thắm tên người;
Ai lí luận với ân tình cho đáng!
Trời reo nắng thì chim reo tiếng sáng,
Xuân có hồng thì tôi có tình tôi.
(Tặng thơ)
Thế nhưng, hơi có vẻ mâu thuẫn với những gì
nhà thơ đã nói ở trên, trong sáng tác của Xuân Diệu, đặc biệt ngay trong “vùng
đặc sản” thi ca của ông - thơ tình, tính triết lí được phô diễn khá đậm nét.
Hãy chú ý
tới hình tượng cái tôi tình nhân và cách khắc
họa chân dung này trong thơ tình Xuân Diệu. Đấy là một cái tôi có những đặc điểm độc
đáo mà nhiều nhà nghiên cứu đi trước đã chỉ
ra khá cụ thể, kĩ lưỡng: mạnh mẽ, đầy ý thức về giá trị cá nhân, cá thể; trẻ
trung và tràn trề sinh lực; nhạy cảm và luôn khao khát một tình yêu “vô
biên và tuyệt đích” v.v. Tất nhiên, khi ý thức cá nhân
được giải phóng, cách mô tả đời sống con người theo hướng cá thể hóa đã trở nên
quá phổ biến trong Thơ mới. Nhưng với Xuân Diệu, điều này trước hết gắn liền
với niềm say mê mang tính cá nhân là được “đào cùng tát cạn” vấn đề, “quy luật
hoá” các hiện tượng, sự việc, ngay trong lĩnh vực tình cảm sâu kín, riêng tư
nhất là tình yêu lứa đôi.
Để khắc họa chân dung cái tôi tình nhân, ông đã “huy động” vào thơ hàng loạt những hình ảnh, chi tiết mô tả cụ
thể, đậm tính tạo hình. Đó là con người đang thì “sức lực tươi xanh”, “hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng”, “bước vạm vỡ”, “chân vồng thành
những bước nghênh ngang”... Mỗi bộ phận cơ thể trong thơ ông
dường như đều có một thứ “ngôn ngữ” riêng, chẳng hạn: tay - ôm, riết, thâu, ghì; miệng - cười, hôn, cắn; chân - vút thẳng, bước nghênh ngang,
đạp phăng... Chúng là biểu tượng của một tâm hồn thật
sự cường tráng và đam mê: Sống toàn tim! toàn trí! sống
toàn hồn/ Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan... Ấy là tư thế và
tâm thế của kẻ tình si đang hướng đến bạn tình, là Em và cũng
là cuộc đời, trong khát khao dâng hiến và thụ hưởng nhiệt cuồng:
Giơ tay muốn ôm cả trái đất,
Ghì trước trái tim, ghì trước
ngực,
Cho đầy trước mặt khoảng cô
đơn
Bao la muôn trời, sâu vạn vực.
Làm sao sống được mà không
yêu,
Không nhớ, không thương một kẻ
nào?
Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa!
Cho bừng tia mắt đọ tia sao!
(Bài thơ tuổi nhỏ)
Trong quan niệm của Xuân Diệu, một tình
yêu đúng nghĩa không thể chỉ là một sự gắn bó mơ hồ, trừu tượng. Nó phải được biểu
hiện cụ thể qua sự gần gũi thân xác và bằng những cảm giác thân xác trực tiếp, mạnh mẽ. Cho nên, nếu Huy Cận chỉ dám “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”; Nguyễn Bính chỉ “yêu nhau qua cửa tò vò nhìn
nhau”, thậm chí “đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”...; thì cái
tôi Xuân Diệu không ngừng “giục giã” người tình: “Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm” và thúc giục
chính ông: “Mau lên chứ, vội vàng lên với
chứ!”... Ông luôn tự nhận mình là “nòi tình”, là “người si”, là “kẻ uống tình yêu dập cả môi”, không ngần ngại “mời yêu” và “mặc kệ, nếu đó là dối trá”! Thật ra, cảm hứng về đời người ngắn ngủi, thời gian vô
cùng trong văn học không mới. Chẳng phải ca dao từng kêu gọi: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/ Cái già xồng xộc nó thì
theo sau” hoặc Nguyễn Trãi từng “Tiếc
xuân cầm đuốc mảng chơi đêm” (Thơ tiếc cảnh) đó sao? Tuy nhiên, ở Xuân Diệu, cái
ham hố, quyết liệt của cách sống, cách yêu “thà một phút huy hoàng” ấy dường như được đẩy tới cùng. Đó là
một tình yêu mà nhu cầu dâng hiến đi cùng đòi hỏi hưởng thụ ngay trong thực tại,
ở thì hiện tại chứ không phải trong mơ hay một “kiếp
sau” nào.
Như một phương diện đối lập, một “âm
bản” đặc biệt của cái tôi si tình và gắn liền với nó, là hình tượng cái tôi thất tình, đầy cô độc,
bơ vơ. Đấy là một kẻ “suốt đời nuốt lệ vào trong ngực/
Đem ái tình dâng kẻ phụ ta”, dẫu luôn biết rằng đó chỉ là hành động
“nước đổ lá khoai”, là “trút bâng quơ một trận lòng”, là “gửi hương cho gió”... Có thể nói, chân dung “kẻ thất tình” này vừa là hệ quả
kéo theo vừa là sự bổ sung cho chân dung “kẻ si tình” đã phân tích ở trên. Và
mặt này cũng như mặt kia đều không thể thiếu trong việc cấu thành cái tôi trữ
tình nồng nàn Xuân Diệu.
Tuy nhiên, không chỉ “tê mê và rũ liệt” trong những xúc cảm yêu đương đắm đuối, cái tôi trong thơ Xuân Diệu
còn là một đầu óc khá duy lí và tỉnh táo. Anh ta muốn vượt lên tâm thế của “một kẻ sa lầy trong yêu” để trở thành “phát ngôn viên” của mọi lứa đôi trong cuộc đời này. Con người này vừa yêu, vừa không ngừng hạnh
phúc, khổ đau vì tình yêu, đồng thời không ngừng bị thôi thúc bởi một nhu cầu
mãnh liệt là được cắt nghĩa, giải thích về tình yêu, đúc rút thành châm ngôn,
triết lí và hơn thế nữa, “kêu to lên” cho mọi lứa đôi cùng nghe về những bí ẩn
của nó (chẳng thế mà khi còn sống, Xuân Diệu từng tuyên bố muốn làm một
“pho từ vị” về tình yêu, để các thế hệ tình nhân đều có thể tìm thấy mọi cung
bậc, trạng thái cảm xúc của họ trong thơ ông đấy thôi!). Rất tự nhiên, bên cạnh
nhu cầu giãi bày, chia sẻ còn là nhu cầu khái quát, triết lí. Tính triết lí bao
trùm các sáng tác về tình yêu lứa đôi của Xuân Diệu. Không phải ngẫu nhiên mà
trong Yêu, bài thơ được chính Xuân Diệu cho biết
đã ảnh hưởng trực tiếp từ thơ Pháp, cụ thể là Khúc rông đô giã biệt của Edmond Haraucourt, nhà thơ đã
chuyển từ câu thơ “Ra đi, nghĩa là chết một ít/
Chết cho những gì yêu thương” thành “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Đằng sau
sự biến đổi về mặt câu chữ, hình ảnh ấy là một sự khác biệt trong quan niệm về
tình yêu, cuộc sống và cả sự sáng tạo của tác giả.
Chính từ đây, cái tôi Xuân Diệu còn
hiện lên trong một tư cách nổi bật khác: một thi sĩ - “triết gia”, người sáng tạo ra thế giới nghệ thuật;
người luôn có ý thức “phơi trải”, “bộc lộ” hết mình bản ngã; người vượt trên
những yêu đương, mất mát cá thể để “gióng” lên tiếng nói phổ quát của nhân
quần... Đấy là một cái tôi hay
băn khoăn, thắc mắc, thể hiện trong những câu hỏi, câu cảm thán vu vơ, bộc lộ một cảm quan tâm hồn bén nhậy:
Ờ nhỉ ! Sao hoa lại phải rơi?/ Đã xa, sao lại hứa yêu hoài?; Thiên hạ về
đâu? Sao vội đi?/ Bao giờ gặp nữa? Có tình chi?... Đấy cũng là cái tôi rất ưa triết lí: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non
nghĩa là xuân sẽ già; Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn
le lói suốt trăm năm... Không chỉ khẳng định mạnh mẽ tư cách cá
nhân, cá thể, cái tôi này luôn ráo riết tìm kiếm những hình thức cắt nghĩa và
thể hiện mới, rành rõ hơn về chính mình. Trong nỗ lực tự nhận thức ấy, những
hình dung của anh ta về bản thân hết sức phong phú, đa dạng và dường như không
bao giờ trùng khít với nhau. Đó có thể là những nhận định trực tiếp, theo kiểu Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất; Tôi là một kẻ
điên cuồng; Kẻ uống tình yêu dập cả môi ... ; hoặc thông
qua các hình ảnh tượng trưng, chẳng hạn “con nai bị chiều đánh lưới”, “một vườn
hoa bỏ vắng”, Hy Mã Lạp Sơn, Kĩ nữ, Núi xa, Hoa núi... Ý thức về
mình trong tư cách sáng tạo/ phát ngôn này, Xuân Diệu có thêm cơ hội khám phá
nhiều vẻ đẹp mới lạ trong chính tâm hồn ông, và nhìn rộng ra, là những tầng sâu
trong thế giới nội cảm của con người cá nhân, cá thể.
Từ đây, đến
lượt nó, cái
tôi tình nhân cùng với cái tôi thi sĩ - triết
gia lại trở
thành những phương diện cơ bản cấu trúc nên cái tôi trữ tình đa tầng bậc trong
thơ Xuân Diệu. Cái
tôi - người tình trẻ trung,
yêu thương và khổ đau đều trong trạng thái mãnh liệt kia là hiện thân hết sức
tự nhiên của tâm hồn tác giả và cũng chính là “nguồn tư liệu” dồi dào cho cảm
hứng lí giải, phân tích ở cái
tôi - thi sĩ, triết gia. Chúng là
những biểu hiện đa dạng, không thuần nhất của cái tôi trữ tình Xuân Diệu nhưng
luôn tồn tại trong một quan hệ hữu cơ, không thể tách rời và điều đó đem lại
một ấn tượng nghệ thuật thực sự độc đáo.
Trong nhiều
bài thơ của Xuân Diệu, đằng sau cái thế giới màu sắc, âm thanh và hương thơm thường
được mô tả một cách sống động và tinh tế, thường cho thấy khá rõ cách nhận thức
và lý giải nghệ thuật riêng, đậm tính triết lý của tác giả. Điều đáng nói là cái
khung triết lí có khi được nhà thơ giấu khá kĩ và nếu bước vào văn bản thơ với
một tâm thế hồn nhiên, xúc cảm của chúng ta sẽ dễ dàng bị cuốn đi (đúng hơn là
bị phân tán đi) theo những hình ảnh cụ thể và tươi tắn mà tác giả đã tạo dựng
nên trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm, trong khi trên thực tế, những hình
ảnh trực tiếp hồn nhiên kia chỉ là bộ phận của một chỉnh thể rộng lớn hơn rất
nhiều. Về điều này, xin hãy đọc lại Thơ duyên.
Trong bài thơ này, Tự nhiên được mô tả như một sức mạnh đặc biệt, nó “áp đặt”
quy luật vận hành của nó vào đời sống con người theo những cách thức vừa nhẹ
nhõm mơ hồ vừa dường như không thể cưỡng lại:
Chiều
mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây
me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ
trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu
đến nơi nơi động tiếng huyền
Con
đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả
lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi
ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần
đầu rung động nỗi thương yêu
Em
bước điềm nhiên không vướng chân
Anh
đi lững đững chẳng theo gần
Vô
tâm nhưng giữa bài thơ dịu
Anh
với em như một cặp vần
Mây
biếc về đâu bay gấp gấp
Con
cò trên ruộng cánh phân vân
Chim
nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa
lạnh chiều thưa sương xuống dần
Ai
hay tuy lặng bước thu êm
Tuy
chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông
thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng
anh thôi đã cưới lòng em
Cận cảnh, đấy là một bức tranh thiên nhiên sinh động, cụ thể, là một khung
nền đầy tươi tắn nhằm làm nổi bật chân dung con người ở phía trung tâm. Tuy
nhiên, trong một trường nhìn mang tính bao quát hơn, Tự nhiên mới là đối tượng
mô tả chính, nó ôm trùm, bao bọc và chi phối sự xuất hiện của con người. Trong trường nhìn bao quát này, có
thể nói, Thơ duyên cũng chính
là cách mô hình hoá về thế giới quen thuộc của Xuân Diệu. Đấy là một thế giới
bị phân cực rõ nét và ranh giới phân chia, theo nhà thơ, không gì khác ngoài
chính tình yêu. Khi có tình yêu, thế giới trở thành một khu vườn tình ái, đầy
ánh sáng, âm thanh, sắc màu: Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên... Nhưng khi không có tình yêu,
hoặc khi con người chưa tìm được tần số tâm hồn đồng điệu, thế giới ấy chỉ là
một hoang mạc lạnh lẽo: Hoa lạnh, chiều thưa, sương xuống dần... Sự phân cực trong thế giới tình
yêu này thực chất cũng là sự phân cực giữa nội tâm và ngoại giới, giữa lòng yêu đời, ham sống và quy luật tàn phá nghiệt ngã của thời
gian. Không ngẫu nhiên mà Xuân Diệu nói đến “xuân lòng”,
“xuân tình” trong một sự phân biệt đầy ý thức với
mùa xuân của tự nhiên, đất trời: Xuân của đất trời nay mới đến/
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát
của hồn tôi (Nguyên đán)... Thế giới lí tưởng trong con mắt kẻ
tình si này luôn phải là một thế giới tràn
ngập cảm giác luyến ái, sự say nồng, niềm ham muốn ấp ôm, gần gũi: Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao/ Cây vàng rung nắng
lá xôn xao/ Gió thơm vô ý bay phơ phất/ Đem đụng cành mai sát nhánh đào (Nụ cười xuân)... Đấy là thế giới của sự sống và sức sống thanh xuân, nồng nàn.
Nếu cách nhìn thứ nhất bộc lộ rõ tinh thần phân tích đậm tính duy lí
trong cái nhìn thế giới của văn minh phương Tây - dấu ấn nền học vấn mà thi sĩ
tiếp thu trong nhà trường Pháp thuộc thì cách nhìn thứ hai phản ánh một quan
niệm quen thuộc của phương Đông về mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa con người
và tự nhiên. Bằng thứ “ngôn ngữ” đầy cảm giác của một buổi “chiều mộng”, Tự
nhiên đã thực sự ra tay xếp đặt cuộc tình ái của con người. Do đó, tình yêu của
Anh và Em tưởng như ngẫu nhiên kì thực là tất yếu, bởi nó nằm trong quy luật
của sự sống, và nói theo cách của bây giờ thì nó đã được “cài đặt” sẵn trong
chương trình vũ trụ. Thậm chí còn có thể nói, tình yêu theo cách nhìn ấy, mang
nguồn gốc, bản chất và chức năng vũ trụ. Đó là một sự lí giải và cũng có thể,
là một lời biện minh đầy thi vị cho tình yêu, một thứ tình cảm mang tính nhân
loại. Vấn đề là ở
chỗ, thay vì hình thức lập luận trực tiếp, nhà thơ lại “nói” qua những hình ảnh
trực cảm cụ thể; thay vì dừng lại với những ẩn dụ đơn giản, nhà thơ lại tập
trung vào việc xây dựng những biểu tượng mới đa tầng nghĩa. Ông đã treo lên cái đinh triết lí khô
khan tấm áo mơ phai hư ảo dịu dàng của mùa thu. Và những biểu tượng càng giàu
những biểu hiện chi tiết cụ thể, càng sống động, thì ý nghĩa của triết lí ngầm
ẩn đằng sau đó dường như càng được chuốt nhọn thêm.
Như vậy, ngay trong
những bài thơ giàu chất trữ tình nhất của Xuân Diệu, cũng có thể thấy rất rõ
dấu vết của luận đề. Chính qua cách trình bày gián tiếp này, quan niệm về con
người và cuộc đời của nhà thơ đã được thể hiện không kém phần sâu sắc, ấn
tượng. Và bằng việc tạo dựng nên những thế giới hình tượng cụ thể sinh động,
chất triết lí không vì thế giảm sút đi, mà ngược lại, càng trở nên đậm đà hơn.
Điều tưởng như là nghịch lí này thực ra cũng là một nét đặc thù của sự diễn tả
nghệ thuật Xuân Diệu. Nó tạo nên hấp lực đặc biệt trong nhiều bài thơ nổi tiếng
của ông, chẳng hạn Thời gian, Tiếng gió,
Khi chiều giăng lưới, Đi thuyền, Hy Mã Lạp sơn…
Sự thực thì việc triển khai tứ thơ trong một mô
hình cấu trúc luận đề chặt chẽ dường như đã trở thành một “thói quen nghệ thuật”
của Xuân Diệu. Bên cạnh hình thức luận đề gián tiếp, trong nhiều bài thơ của
ông, tư tưởng của tác phẩm thường được trực tiếp đặt ra ngay từ đầu và toàn bộ
những câu chữ phía sau được sắp xếp như một hệ thống luận chứng, luận cứ hùng
hồn để tạo nên tính thuyết phục. Luôn hiện diện đằng sau những câu chữ ấy một chủ thể trữ tình đầy nhiệt
thành, sôi nổi. Anh ta luôn có cái nhu cầu được giãi bày, được trần tình, được
lí giải (và cả… kể lể nữa) những tư tưởng, quan niệm riêng về
tình yêu, về thời gian, về sự sáng tạo v.v. Vội
vàng là một ví dụ tiêu biểu. Nội dung của nó được trình bày theo một trật
tự luận điểm khá mạch lạc. Có thể hình dung "dàn ý” bài thơ như sau:
A) Nêu
vấn đề
Nhà thơ muốn cưỡng
lại quy luật tự nhiên, muốn "tắt
nắng" và "buộc gió"
(4 câu đầu)
B) Giải
thích lí do
- Lí do thứ nhất: Vì cuộc đời quá đẹp,
luôn kêu gọi con người sống và hưởng thụ (9 câu tiếp)
- Lí do thứ hai: Nhưng đời người ngắn ngủi
trong khi thời gian trôi chảy không ngừng (16 câu tiếp)
C) Kết
luận
Nhà thơ quyết định phải chạy đua với thời gian, vượt lên thời gian, sống hết
mình để tận hưởng cuộc đời, tức phải Vội vàng (10 câu cuối)
Ở đây, bài thơ được
triển khai như một hệ thống lập luận chặt chẽ, ý trước nối liền ý sau, ý sau
giải thích, mở rộng nội dung ý trước trong mối quan hệ phối thuộc chặt chẽ. Mỗi
phần, đoạn, câu, hình ảnh thơ trong bài vừa có nhiệm vụ cụ thể hoá quan niệm
sống, quan niệm sáng tạo riêng của của thi sĩ vừa đóng vai trò những thao tác
phân tích buộc độc giả phải thấy rằng quan niệm ấy là một tất yếu đúng. Rất nên
chú ý tới tiêu đề (tên bài) trong thơ Xuân Diệu, bởi đó vừa là luận đề sẽ được
cụ thể hoá trong phần nội dung phía sau, đồng thời là quan niệm mà tác giả đang
muốn lí giải, tranh luận cùng người đọc. Những tiêu đề này thường có tính xác
định khá rõ về nội dung cũng như mục đích của tác phẩm. Vượt ra ngoài ý nghĩa
định danh bề mặt, chúng thường hàm chứa những triết lí về con người và cuộc đời
của tác giả. Nói cách khác, đó là những tiêu đề - triết lí. Có thể thấy điều
này trong nhiều bài như Xa cách, Giục
giã, Yêu, Xuân không mùa…
Trở lại với bài thơ
Vội vàng, có thể thấy rằng vội vàng ở đây không phải là một trạng
thái cảm xúc nhất thời mà là một sự lựa chọn có tính lâu dài gắn liền với thái
độ và quan niệm sống của tác giả. Nói cách khác, Vội vàng là một định nghĩa về cách sống. Cũng như vậy, Yêu là một định nghĩa đầy chua chát về
tình yêu; Xa cách là định nghĩa về những khoảng cách không thể lấp
đầy trong tình yêu hay là khát vọng hoà hợp tâm hồn tuyệt đối của thi sĩ… Vấn
đề là những định nghĩa ấy được trình bày dưới dạng luận đề và ngôn từ, hình ảnh
thơ, ngay khi được lựa chọn, sắp xếp, đã được nhắm tới đích làm sáng tỏ vấn đề
triết lí đặt ra từ tên tác phẩm. Vậy nên ở những bài thơ trữ tình này dày đặc
các thao tác lập luận của tư duy suy lí như diễn dịch, quy nạp, loại suy… Để
tăng tính thuyết phục, nhà thơ không ngần ngại trình bày vấn đề bằng các hình
thức lập luận logic như nguyên nhân - kết quả, điều kiện - kết quả, tương đồng,
tương phản… Quả là một cách làm thường thấy trong... văn nghị luận hơn là trong
thơ ca!
Luận đề trực tiếp
cũng thường được nhà thơ triển khai trong kiểu bài kết cấu vòng tròn (còn gọi
là kết cấu đầu cuối tương ứng). Chủ
đề bài thơ thường được phát biểu trong những hình thức câu cô đúc như châm
ngôn, được lặp lại nhiều lần (có khi lặp nguyên văn nhưng có khi chỉ lặp ý còn
từ ngữ có thể thay đổi đôi chút), nối liền điểm mở đầu và kết thúc của tác phẩm
trong sự “liền hơi, liền mạch” đầy âm vang rất đỗi quen thuộc của giọng thơ
Xuân Diệu:
- Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi
(Giục giã)
- Yêu là chết trong lòng một ít
(Yêu)
- Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi
Dù chỉ là trong một phút mà thôi
(Mời yêu)
Về mặt ngôn ngữ, thơ Xuân Diệu xuất hiện khá phổ biến kiểu
ngôn ngữ diễn đạt mang tính phân tích, cắt nghĩa khá tường minh, chặt chẽ. Dĩ nhiên,
khác với kiểu giao tiếp thông thường, trong thơ, việc sử dụng hình thức ngôn
ngữ này không chỉ nhằm tạo nên tính logic của phát ngôn mà quan trọng hơn, nhằm
tạo nên nét độc đáo, riêng biệt trong nghệ thuật trữ tình của tác giả. Quả
thực, đi cùng độ mãnh liệt trong xúc cảm, luôn hiện diện trong thơ Xuân Diệu
một cái nhìn đậm chất phân tích và dường như bao giờ cũng muốn soi xét vào bề
sâu, bề xa thế giới, nhằm tìm ra cái quy luật chi phối thực tại:
Xuân
đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân
còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng
nhưng lượng đời cứ chật
Không cho dài
tuổi trẻ của nhân gian
Nói
làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại?
Đặc biệt phổ
biến trong thơ Xuân Diệu là kiểu câu cắt nghĩa, định nghĩa:
- Là thi sỹ nghĩa là ru với gió
- Yêu là chết trong lòng một ít
- Tôi là con nai bị chiều đánh
lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối...
Cũng phổ biến là những lời than, tiếng gọi, câu
hỏi:
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào
ngươi!
- Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em!
- Nhưng mà tôi sẽ chết, than ôi !
- Thiên hạ về đâu? Sao vội đi?
Bao giờ gặp nữa? Có tình chi?
- Những buồn xưa cũ, nay đâu mất?
Ôi! Phượng bao giờ lại nở hoa!...
So với thơ cổ điển, cách diễn đạt ấy làm câu thơ giảm hẳn
tính hàm súc. Song, chính điều này đã làm bật lên tính trữ tình nồng nàn và tố
chất tâm hồn quyết liệt, đam mê của chủ thể. Cùng với đại từ “Tôi” xuất hiện
trong hầu khắp tác phẩm Xuân Diệu, lối dùng chữ, đặt câu này tạo nên tính chất
vây bủa mạnh mẽ đến riết róng, cuồng nhiệt trong giọng điệu. Đó là giọng điệu
của một cái Tôi đầy ý thức, luôn trong tư thế đối diện và đối thoại với thế
giới, trong sự “thức nhọn” mọi giác quan
tâm hồn.
Có thể nói,
bên cạnh tính trữ tình, vừa được hiểu như một đặc tính, đồng thời như một yêu
cầu của thơ trữ tình, trong thơ Xuân Diệu, tính triết lí cũng là một nét đặc
trưng rất dễ nhận thấy. Lí do dẫn đến điều này nằm ngay trong tạng chất chủ thể
trữ tình: đó là một cá tính mãnh liệt đến quyết liệt và anh ta luôn có cái khao
khát được phô diễn, trình diện trọn vẹn cái bản ngã của mình trước cuộc đời.
Con người này không chỉ “run rẩy tựa dây đàn” trước thế giới, anh ta còn có
ham muốn được khám phá, phân tích và phô bày những nhận thức về cái thế giới ấy
theo cách riêng của mình. Đặt trên nền chung của phong trào Thơ mới, Xuân Diệu
cũng như nhiều nhà thơ đương thời đã chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ kiểu tư duy
phân tích của phương Tây hiện đại. Thơ ca là cách để nhà thơ tư duy về thế giới
và như vậy, làm thơ không chỉ là để phô bày cảm xúc, cảm giác mà còn để diễn tả
những suy nghĩ, quan niệm, những cách lí giải về thế giới. Tuy nhiên, Xuân Diệu
triết lý nhằm mục đích bộc lộ mạnh mẽ hơn cảm xúc và nhận thức cá nhân, cá thể chứ
không nhằm đi đến xác lập tư tưởng mĩ học mới về thế giới theo kiểu thơ tượng
trưng, siêu thực. Đó là những
khái quát, triết lí của trái
tim, của những xúc cảm nhiệt thành và mãnh liệt, chúng xuất
phát từ nỗi khát khao giao cảm với đời, nỗi khao khát được hiểu mình và hiểu
người trong cái tôi lãng mạn Xuân Diệu.
Vinh, 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét