NGHỆ THUẬT CỦA ĐƠN GIẢN
Như chính những hình
ảnh minh hoạ trên trang bìa, Gửi VB là những nhát cắt hình ảnh gọn
gàng và bé nhỏ, từ một góc nhìn rất gần, găm lại trong trí nhớ những ấn tượng
tươi tắn, giản dị. Tập thơ thể hiện một nỗ lực đơn giản hóa đến tối đa. Từ cái
tên chung của cả tập lẫn từng tên bài đều hết sức ngắn gọn và giản lược: Gửi
VB, Công chức, Về nhà, Ốm, Ngủ...; thậm chí có khi như một sự ngẫu
nhiên, tuỳ hứng: Trước khi đi Hội An, Ngày thứ hai ở Hội An, Ngày thứ ba ở
Hội An... Đề tài cũng hết sức đơn giản, chúng thường hướng về những
sinh hoạt thường nhật của chính tác giả (và đó là lí do vì sao có người cho rằng
tập thơ giống như những trang nhật kí xé rời). Trong mô tả, những chi tiết rườm
rà, hoa mĩ luôn bị bóc đến tận lõi, để lộ sát vẻ hồn nhiên và chân thực của đời
sống. Khi sử dụng những biện pháp mĩ từ hóa thông dụng của thơ ca, chẳng hạn so
sánh, tác giả vẫn luôn “ưu tiên” cho những so sánh rất văn xuôi, như lời nói
thường, ít nhiều suồng sã, chẳng hạn: Bên kia lần dạ đàn nỉ non/ Như ăn mày
luẩn quẩn trước cửa nhà/ Muốn đuổi mà ngại ra (Ốm); Say la
đà trở về nhà, sờ đến túi mới biết mất chìa khóa/ Bên góc miệng, không khác gì
con chó, vẫn còn ngậm một cái tăm (Ngày thứ hai ở Hội An)...Tóm
lại, dường như rất vắng bóng những kiểu cách “làm thơ” thường thấy trong Gửi
VB!
Tuy nhiên, chính sự “kiểm soát” triệt để trong những buông thả cảm xúc đi cùng một lối viết có vẻ hết sức tự nhiên và dễ dàng, rất gần với lối viết của văn xuôi này đã đem lại cho tập thơ một vẻ đơn giản hiếm có. Đó là một sự đơn giản chủ động. Nó thể hiện ý thức tìm kiếm một không gian thơ riêng, dân chủ và cởi mở hơn và không quá bị câu thúc bởi những gò gẫm câu chữ hay sự áp đặt của những cứng nhắc kinh niên trong một số quan niệm về cái gọi là thơ ca. Bởi vì, như chính tác giả tự nhận, đấy mới chỉ là... Tập làm thơ! (dĩ nhiên, đấy chỉ là một cách nói).
Tuy nhiên, chính sự “kiểm soát” triệt để trong những buông thả cảm xúc đi cùng một lối viết có vẻ hết sức tự nhiên và dễ dàng, rất gần với lối viết của văn xuôi này đã đem lại cho tập thơ một vẻ đơn giản hiếm có. Đó là một sự đơn giản chủ động. Nó thể hiện ý thức tìm kiếm một không gian thơ riêng, dân chủ và cởi mở hơn và không quá bị câu thúc bởi những gò gẫm câu chữ hay sự áp đặt của những cứng nhắc kinh niên trong một số quan niệm về cái gọi là thơ ca. Bởi vì, như chính tác giả tự nhận, đấy mới chỉ là... Tập làm thơ! (dĩ nhiên, đấy chỉ là một cách nói).
Một trong những điểm nổi bật nhất của tập thơ là cách mô
tả theo hướng “phát hiện lại” đời sống. Tác giả chỉ đề cập đến bằng
một vài chi tiết, hình ảnh, thế nhưng đời sống hàng ngày (mà thói quen và cái
nhìn một chiều đã làm trở nên khô cứng, tẻ nhạt và đơn điệu) bỗng hiện ra trước
con người với những vẻ đẹp đầy hồn nhiên và không ít thi vị. Những chi tiết,
hình ảnh thơ trong Gửi VB thường ngắn gọn, đơn giản, nhưng có
khả năng găm vào người đọc nhiều ngỡ ngàng, chẳng hạn: Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ/ Muốn ngửi/ lại ngại mũi dính đất/
Hơi rừng như mật/ như kẹo the/ như góc phố thuốc bắc (Trong Cúc
Phương); hoặc chẳng hạn: Ba cái bình hoa/ Bát Tràng/ Nung ẩu/ Hình
như đất còn/ giãy giụa (Danh sách chuyển nhà)... Sự quan sát sắc
sảo và tinh tế ấy dường như là một khả năng tự nhiên của người viết. Nó gắn liền
với thói quen nhìn ngắm thế giới trong một tinh thần phân tích tỉnh táo, do vậy
mà ở những rung cảm bất ngờ, hồn nhiên nhất cũng luôn hàm chứa những cắt nghĩa,
lí giải nào đó (và cả những điều này cũng thường được nhà thơ nói ra một cách hết
sức tự nhiên). Bức tranh đời sống, qua cái nhìn của nhà thơ, bao giờ cũng chi tiết, cụ thể và rành rõ, thậm chí rành rõ đến ráo riết:
-
Cửa chính
Không
phải lúc nào cũng mở
Không
phải lúc nào cũng mở bốn cánh
Thường
thì một cánh
Đủ
lách mình vào ra
(Sơ đồ nhà mẹ)
- Bốn người phụ nữ chèo hai con thuyền ra Cửa Đại
Bốn cái
nón lá, bốn cái áo cháo lòng, nói những lời líu ríu khó nghe
Khói thuốc lá người ngồi đầu
mũi phun ra bay luẩn quẩn
(Ngày
thứ hai ở Hội An)
Đối với những ai thường nghĩ thơ là thế giới của hư ảo,
mơ mộng, sự mô tả nhiều khi quá rạch ròi ấy có thể khiến thơ ca đánh mất đi
tính thơ của nó. Nhưng từ một góc độ khác, tư duy mang đậm tinh thần phân tích ấy
sẽ tạo nên (chí ít là cho chính nhà thơ) một cái nhìn hiện thực không xuôi chiều
và dễ dãi, đem lại cho quá trình nhận thức và tự nhận thức một chiều sâu mới.
Sự phân tích tỉnh táo như một nhu cầu tinh thần thường trực
ấy rồi đây sẽ trở thành một công cụ “giải phẫu” nội tâm cá nhân tự nhiên. Trong
Gửi VB, đi cùng những chi tiết quan sát đầy ắp sự tinh tế và sắc
sảo còn là sự tự mô tả, tự phân tích.
Không ngẫu nhiên mà tác giả nhắc nhiều
đến những cảm giác vu vơ, thoáng qua và như là không đâu của chính mình. Đó là
cái cảm giác ngỡ ngàng trước một buổi sáng quá lặng lẽ và hiếm hoi trong đời sống
ồn ào phố xá: Dậy sớm/ Từ lúc bốn giờ sáng/ Nhạc mở thế nào cũng là to... (Để
được đi xa thì...); là cái cảm giác bồn chồn, lo sợ khi “đường ra Nội
Bài ngang qua những ruộng bắp/ Lá ngày đông còn lưa thưa” (Gửi VB);
là cái cảm giác “thắt cả lòng” khi đứng giữa đêm phố cổ Hội An vì “Lúc
đi, đóng cửa đã không bật đèn”... Thực chất, đó không chỉ là những cảm giác
về đời sống mà còn là cảm giác về sự sống, cảm giác về từng trạng thái sống.
Chính những run rẩy như là thoáng qua, như là không đâu ấy đã cho con người
nhận ra sự tồn tại thật sự của chính mình.
Tác giả là người nhạy cảm. Nhưng không chỉ thế. Đấy
dường như còn là người biết “sống đầy” trong từng khoảng khắc và do đó mà vừa
có khả năng thích ứng nhanh nhạy với nhịp sống hiện đại, vừa có thể tỉnh táo
tách ra khỏi những xô bồ, hỗn tạp cộng đồng để lắng đọng từng chút vu vơ trong
trẻo trong một môi trường sống đang có nhiều nguy cơ ô nhiễm bởi sự thực dụng
và nhàm tẻ.
Trong Gửi VB, rất ít những cao giọng khái
quát, triết lí mà nhiều hơn là những trạng thái cảm giác, cảm xúc tản mạn, nhiều
khi như không mấy ăn nhập với nhau. Trong mỗi bài thơ, ngay cả những bài có kết
cấu tương đối chặt chẽ như Ngày thứ ba ở Hội An, Gửi VB, Đã đến Huyền Mi.
Bình an, Hành trình của cây... cũng có cái gì đó như là sự buông
lơi, dang dở, chưa hoàn kết. Nhưng phải chăng đó chính là một cách diễn tả
không thể khác về trạng thái hiện tại của đời sống, về cái đang diễn ra, đang
chảy trôi, đang dang dở? Cũng rất ít gặp các đại từ xưng hô, nhất là đại từ
xưng hô ngôi thứ nhất trong tập thơ (bài Cơ thể tôi ngày chủ nhật
là một ví dụ hiếm hoi). Nhưng có lẽ vì thế mà Gửi VB đem lại cảm
nhận tác giả đang viết cho mình, những câu thơ như những dòng tự sự phơi lộ những
cảm giác nội tâm vừa chân thành, mềm yếu, vừa cứng cỏi, lại thoáng chút giễu cợt
(vì đang nhìn chính sự mềm yếu ấy bằng một con mắt khác, con mắt phân tích, cắt
nghĩa) và cũng vì vậy, nó thẳng thắn và thành thật đến “thắt cả lòng”.
Các bài thơ cũng không thuần giọng. Trong Danh sách
chuyển nhà, sau một loạt tính đếm, liệt kê rành mạch, mạch thơ có chút
chùng lại với hình ảnh những bình hoa Bát Tràng nung ẩu “Hình như đất còn/
giãy giụa”, để rồi sau đó lại chuyển giọng với sắc thái bông lơn, giễu cợt:
Từ
ngoài đếm vào
Từ
trái đếm ra
Ngày
nào
cũng
thế
đếm
vào
Rồi
lại
đếm
ra...
Thật ra, đó không chỉ là sự thay đổi giọng điệu mà còn là
sự thay đổi trong điểm nhìn và góc độ trữ tình: vừa là chính mình để giãi bày,
thổ lộ, vừa tách ra và đứng cao hơn bản thân để tự phân tích, lí giải. Cũng là
sự duy lí, nhưng nếu các nhà lãng mạn chủ nghĩa thường đề cao cái tôi lên thành
thái quá thì ở đây, khi khái quát về bản thân trong những hành động vừa tẩn mẩn
vừa có chút... vô nghĩa, tác giả đã xác lập một cái nhìn nhẹ nhõm, rắn rỏi và tỉnh
táo hơn nhiều. Cái cười tự giễu cợt ấy đã hóa giải sắc thái bi kịch mà một cảnh
ngộ tương tự có thể đem lại.
Tuy nhiên, khi “giải phẫu” chính tâm
hồn mình, sự rắn rỏi và tỉnh táo ấy nhiều khi cũng không thể hóa giải được nỗi
buồn. Con người ấy có thể tự phân tích, tự lí giải và hiểu chính bản thân (và từ
đó mà hiểu người khác) một cách tường tận, rành rõ hơn bất kì ai khác, nhưng
không vì thế mà khác đi, không vì thế mà không phải và không thể là mình.
Hình như chốt điểm là ở đấy. Những nghịch lí trong trạng thái tinh thần và sự vận
động, giãn nở, sinh sôi đầy phức tạp của dòng chảy tâm trạng có thể thấy rõ
trong bài Đã đến Huyền Mi. Bình an. Đây là bài tôi thích
nhất trong toàn tập bởi giọng điệu vừa tự chủ vừa rối bời của nó. Xin được chép
ra đây toàn văn bài thơ.
Đã đến Huyền Mi. Bình an
đã
bỏ va li vào tủ
và
mắc quần áo lên
đã
thử các công tắc đèn
chọn
một màu vàng ấm nhất
đã
xin lễ tân phích nước
pha
bình trà cúc hăng hăng
đã
vùi mình vào trong chăn
nghe
tiếng còi tàu đang tới
u
u
âm
âm
rầm
rập
rầm
rầm
xa
dần
xa
dần
rồi
mất
đã
mở tung cửa và tắt
đèn
cởi áo nhìn xuống đường
đối
diện có anh thợ khóa
một
giờ sáng còn ăn cơm
hai
giờ xe ôm buồn bã
ba
giờ xung quanh ngủ cả
đóng
băng cả những ánh đèn
ngày
mai sẽ viết thư thêm
Giờ
nằm im và ngửa cổ
cho
đầu thõng xuống cạnh giường
để
phòng nước mắt có chảy
chầm
chậm
ngược
dòng
mà
tuôn.
Từ một góc độ nào đó, có thể nói Gửi VB đơn
giản trong chính sự phức tạp của nó. Trong Tập làm thơ, bài
thơ đứng cuối tập với một tiêu đề có thể gợi cho người đọc liên tưởng tới bao vấn
đề to tát, quan trọng về thơ ca, về sự sáng tạo, về tâm niệm của nhà thơ v.v và
v.v, giọng thơ vẫn thản nhiên tưng tửng đùa giễu:
Tôi
có tài, tôi có tài, tôi có tài
Chẳng
bao giờ đến mức “tai một vần”.
Đã
cố cầu kì hết những dòng trên, giờ thì buồn ngủ
Nhai
cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn
mở
miệng ngáp một lần.
Ai đó có thể nghĩ rằng đấy là một cách ứng xử không
nghiêm túc với thơ ca. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể nghĩ rằng đấy là một
sự lựa chọn có ý thức của người viết? Thơ ca có nhiều con đường để tồn tại và đơn
giản, hiểu theo nghĩa là sự tiết chế cao độ những dãi dề cảm xúc và những bóng
bẩy, du dương sáo ngữ, để có thể diễn tả tiếng nói nội tâm một cách thẳng thắn,
công khai và thành thực, thì tại sao không? Và cho dù ngay cả khi người viết
không chủ ý, văn bản đã hiện diện như một hiện tượng khách quan, một tiếng nói
tự thân. Đằng sau những tưng tửng đùa giễu trên phải đâu chúng ta không thể “đọc”
thấy quan niệm riêng của nhà thơ về việc xác lập một cái nhìn và một thái độ ứng
xử mang tính bình đẳng, cởi mở và dân chủ hơn đối với thơ ca, với nghệ thuật
nói chung? Dĩ nhiên, từ văn bản đến tác phẩm là cả một khoảng cách và việc đọc
như thế nào luôn là một vấn đề phức tạp. Nhưng nếu thơ ca có nhiều cách viết
thì người đọc cũng có nhiều con đường để tiếp nhận. Với tôi, Gửi VB không đơn thuần nói về sự đơn giản của đời sống hay sáng tạo. Nó nói/ sáng tạo bằng chính sự đơn giản. Nó là nghệ thuật của đơn giản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét