Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Không đề - Ngô Thế Oanh

MÙA CỦA TÂM HỒN
(Về bài thơ Không đề của Ngô Thế Oanh)
                                         
                                                                                                                          Lê Hồ Quang
               Có thể là bất kì một mùa nào đấy trong năm, nhưng khoảng thời gian ấy chỉ trở thành ấn tượng chạm khắc trong miền nhớ khi được lọc qua tâm hồn con người – những tâm hồn đặc biệt nhạy cảm vốn dĩ nặng lòng với quá khứ. Không đề là âm vang của một màu hạ như vậy, một mùa hạ rất nhiều kỉ niệm và lưu giữ mãi trong kí ức vẻ lung linh ngay cả khi đã mãi mãi rời xa:
Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm
Tinh khiết những đóa hoa màu trắng
Nở nhè nhẹ trên lòng tôi yên tĩnh
Mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi…
Và tháng Năm. Những dấu mùa quen thuộc chính là ngón tay chạm khẽ lên dây đàn để rồi cả hộp đàn cộng hưởng và rung lên xao xuyến. Tháng Năm này lại gợi nhắc đến tháng Năm kia và cả mùa hạ cũ xưa tưởng đã ngủ vùi dưới rong rêu thời gian bỗng thiết tha trỗi dậy. Con người, sau tất cả những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật, khi đối diện với chính mình, chợt thấy khắc khoải. Câu thơ như lời thú nhận thầm thì cất lên từ sâu thẳm: Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm…
Và kỉ niệm thiết tha lập tức ùa về, tỏa vào thị giác người đọc một luồng sáng lạ, luồng sáng tâm tưởng:
Em đi bên tôi mơ hồ thoáng nét cười
Vòm long não non xanh màu ngọc bích
Giá tôi có thể quên, giá mà quên được
Biết làm sao để đừng nhớ về em
Có hình ảnh nào cụ thể, rõ ràng lắm đâu, chỉ là một màu hoa, thoáng nét cười và vòm long não non xanh trên con đường hò hẹn…Vậy mà, tất cả đều sáng nét, đều nổi bật. Phải chăng nhờ vào sự thanh lọc của kí ức nên ấn tượng về mùa hạ mới thuần khiết và trong trẻo đến tột bậc như thế: tinh khiết những đóa hoa màu trắng, mơ hồ thoáng nét cười, vòm long não non xanh màu ngọc bích; trời trong suốt dòng sông trong suốt Những gam màu sáng trong tươi tắn dịu dàng, khiến ta bất chợt có cảm giác “soi lên mặt nước này lại gặp tuổi thanh xuân” (Khoảng khắc trên sông Lai – Ngô Thế Oanh). Đó cũng là gam màu quen thuộc trong thơ tác giả này với “những bờ cây ánh vàng”, “hoàng hôn yên ả”“bầu trời xanh một sắc tơ non”, “những màu xanh đằm thắm”, đã làm “dịu lành đi bao vết thương đời ta”…Bỗng nhớ đến “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” trong thơ Hàn Mặc Tử, những sắc màu thiên nhiên vẫn cất giấu sự thanh thản bình yên của mọi tâm hồn.
Và Em – linh hồn của mùa hạ cũ, chỉ hiện diện nụ cười mơ hồ trong kí ức. Chỉ có vậy. Nhưng đấy là viên sỏi ném xuống mặt hồ yên tĩnh. Những cảm xúc náu lặng bấy lâu bỗng vỡ òa trong cái điệp khúc khát khao khắc khoải:
Giá tôi có thể quên giá mà quên được
Biết làm sao để đừng nhớ về em…
Những câu thơ vừa da diết vừa phảng phất ngậm ngùi. Thì ra, nói quên là để nhớ, con người làm sao giấu được chính mình?
Thật lạ lùng, tất cả vẫn hiện diện: thành phố, mùa hạ, hoa trắng… Nhưng đồng thời, tất cả lại trống rỗng đến lạ lùng. Có phải vì thời gian qua đi hay vì thiếu vắng Em? Có lẽ cả hai. Cảm giác về Em đã hòa lẫn vào cảm giác về mùa hạ, về dòng sông, bầu trời, một giác “trong suốt” hư ảo. Rất đáng chú ý là hệ thống tính từ chỉ cảm giác được huy động trong bài thơ, đó là những tính từ diễn tả những sắc độ cảm giác hết sức mong manh, tinh tế, dịu dàng:  tinh khiết – nhè nhẹ - yên tĩnh – mơ hồ - thoáng nét – non xanh màu ngọc bích – trong suốt…Chúng cho thấy một nội tâm đầy khắc khoải, nhưng không còn giông bão mà đã được lắng lọc lại sau thời gian và kí ức, chỉ còn lại tình yêu với những hoài niệm bồi hồi.
Và tôi chầm chậm đi dọc Hương Giang
Trời trong suốt, dòng sông trong suốt
Huế đẹp đến tưởng chừng không có thực
Bao người đã yêu đã hạnh phúc khổ đau
Từ quá vãng về hiện tại, dường như tác giả đang lặng lẽ chiêm nghiệm về tình yêu, cuộc đời. Sâu hơn, xa hơn, bền lâu hơn những gì đã có, đã tồn tại, cả những hạnh phúc và đau khổ của con người, Huế vẫn “đẹp đến tưởng chừng không có thực”. Đó là một sự tự thức tỉnh. Rõ ràng cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, dù “mùa hạ ấy xa rồi”. Nhưng lẽ nào trong những buồn vui đan chéo đời người ấy lại không náu ẩn một phần ý nghĩa của cuộc sống?
Cứ ngỡ, những suy tưởng sẽ dẫn dắt nhà thơ hơn, và ngập vào trong những triết luận, sẽ làm ông nguôi ngoai đi nỗi niềm tâm sự. Thế nhưng, chính ở cuối mạch nguồn suy tưởng, hình ảnh Em đột ngột trở về trong một liên tưởng nhói xót:
Mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở đâu
Thành phố rộng đường tôi không thuộc hết
Hoa vẫn trắng những sắc màu tinh khiết
Và kết thúc vẫn là cái điệp khúc vời vợi:
Mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi…
Bài thơ có một âm hưởng rất lạ: day dứt, trăn trở, khắc khoải. Phải chăng một phần là nhờ cấu trúc lặp lại của những từ ngữ, hình ảnh, những câu hỏi tu từ vang động? Chẳng hạn điệp hình ảnh: Tinh khiết những đóa hoa màu trắng, Hoa vẫn trắng những sắc màu tinh khiết…; Điệp từ: Giá tôi có thể quên giá quên được; Trời trong suốt dòng sông trong suốt ; Bao người đã yêu đã hạnh phúc khổ đau; Điệp ngữ: Mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi;  Mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở đâu?…Những điệp khúc trở đi trở lại, như những vòng sóng tỏa lan trên mặt hồ, diễn tả một cảm giác day dứt, khao khát, không thanh thản (mà có lẽ chưa bao giờ thanh thản) trong tâm hồn tác giả và điều ấy bỗng làm lây lan sang người đọc một nỗi xót xa nhè nhẹ. Thốt nhiên, trong tâm trí độc giả khẽ đồng vọng những câu thơ của  Olga Berggoltz:
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá
Nhưng ta nhớ. Trời ơi! Ta vẫn nhớ
Tình yêu đầu lắng sóng ánh sao đêm
                   (Mùa hè rớt)
Đã có và sẽ có biết bao mùa của tâm hồn như vậy.
Không đề, với những câu thơ trầm lắng, se se buồn và trong như lọc ấy, sẽ mãi là một cõi đi về trong những trái tim thơ ca.
                                                          Vinh, 3/11/1995