ÂM VANG GIÓ MÙA ĐI QUA
(Về tập Gió mùa đi qua của Nguyễn
Thị Phước, Nxb Hội nhà văn, 2007)
Lê Hồ Quang Tôi “gặp” tác giả Nguyễn Thị Phước lần đầu tiên qua một
truyện ngắn có tên là Phù sa. Ngay từ thiên truyện ấy đã lộ ra
cái nét riêng sau này cũng sẽ xuất hiện trong hầu khắp những trang viết của chị:
một cái nhìn về cuộc sống đầy nhạy cảm và không ít những day dứt, lật trở, một
lối viết “mộc”, có vẻ không mấy dụng công nhưng lại khá tự nhiên với khả năng
phát hiện nội tâm tinh tế và do đó, luôn có một cái gì như là chất thơ man mác ẩn
sau câu chữ. (Về sau, tôi được biết Nguyễn Thị Phước còn là một nhà thơ, chị đã
xuất bản ba tập thơ riêng và đang chuẩn bị in tập thứ tư. Điều này cũng góp phần
củng cố thêm những cảm nhận ban đầu của tôi về truyện ngắn của chị). Gió mùa đi qua là tập truyện xuất bản gần
đây nhất của tác giả này và có thể nói, đấy cũng là một cuốn sách có khả năng gợi
nhiều suy ngẫm ở độc giả.
Trong Gió mùa đi
qua, chân dung con người hiện lên với nhiều thân phận, tâm sự, nỗi niềm. Nhân
vật thường được mô tả, khắc hoạ trong các mối quan hệ thân tộc gần gũi, đặc biệt
là trong quan hệ gia đình, và từ những suy nghĩ cùng lối hành xử của họ, bằng cách
riêng, nhà văn đã khái quát nên nhiều vấn đề phức tạp của đời sống hiện tại. Đó
là câu chuyện về một gia đình đông chị em gái gắn bó trong nhiều yêu thương, mất
mát và cả sự đổ vỡ (Cau non); là câu
chuyện về nỗi lòng của một ông già trốn chạy những đau đớn, bế tắc trong cuộc sống
gia đình, về quê như một chốn dựa cậy cuối cùng nhưng lại chỉ gặp sự dửng dưng,
vô tình và xa lạ (Về làng); là câu
chuyện về những day dứt, trăn trở của người trong cuộc về cách sống, cách hành
xử trong một môi trường sống thực dụng, nhiễu tạp và đồng tiền đã làm băng hoại
bao nhiêu mối quan hệ ruột rà, máu mủ (Bóng
lá)... Gia đình, cái tế bào vững chắc của xã hội, qua ngòi bút của Nguyễn
Thị Phước, đã bộc lộ biết bao sự rạn vỡ, nứt gãy từ chính bên trong nó. Soi chiếu
qua lăng kính gia đình, đời sống xã hội hiện ra trong một diện mạo đầy bất trắc,
với bao vấn nạn và sự xuống cấp đáng sợ về mặt đạo đức cũng như nhân tính.
Cũng như là tất yếu,
một chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Thị Phước là khát vọng hạnh phúc
và tình yêu của người phụ nữ. Trong truyện của chị, những nhân vật nữ chính thường
là những con người nhạy cảm, khao khát yêu thương, nhưng cũng đầy những mất mát,
thương tổn. Đó là những con người vừa đa cảm, mềm yếu, vừa nhẫn nại, cả tin, nhất
là trong chuyện tình ái và nhiều khi, như chính họ tự nhận xét về mình, hết sức
“ngớ ngẩn”, “ngu ngốc”, “mê muội”. Yêu thì bị lợi dụng, lừa dối, lấy chồng thì
bị chồng phụ bạc, chê bỏ, ruồng rẫy (nhân vật cô giáo trong Người về ngàn phố, Thuỷ trong Cung nữ, Vân Lạc trong Mây về ngàn, Thư trong Cỏ mềm...). Tuy nhiên, ngay cả những người phụ nữ mà nhìn bề ngoài ngỡ như
hết sức bình lặng với một gia đình yên ấm, hạnh phúc theo quan niệm thông thường
thì cũng thế. Hoặc là họ tự xới tung tất cả, tự làm đổ vỡ tất cả; hoặc là âm thầm
mang theo giấc mơ hạnh phúc riêng (mà đôi khi chỉ là một ước hẹn rất vu vơ), để
rồi sống với nó, đắm đuối, lụi tàn và thậm chí cả chết (theo nghĩa đen) cùng nó.
Thế nên khi soi chiếu trong hệ giá trị đạo đức thông thường, cũng dễ hiểu vì
sao những người phụ nữ ấy thường bị những người xung quanh kết án là “ngớ ngẩn,
dại dại, ngốc ngốc”; hoặc là “dở hơi rồi. Là hấp, là ẩm, là gì gì nữa rồi”! Tuy
nhiên, khi đặt trong quan niệm cá nhân thì bản thân sự “mê muội”, “khờ dại” ấy
lại được xem như một giá trị, bởi nó là bằng chứng cho sự thành thực và cả sự
can đảm nữa. Điều thú vị là trong khi nhiều nhà văn nữ khác thường cho nhân vật
nữ của mình sau kì đắm đuối, mê muội là kì vùng dậy “phản tỉnh” đầy dữ dội, thậm
chí nanh nọc, cay độc và không hề nương tay khi đập vỡ thần tượng, thì phần lớn
nhân vật nữ của Nguyễn Thị Phước vẫn tiếp tục sự mê đắm một cách cố chấp và đầy
bướng bỉnh, thậm chí không ngần ngại biến nó thành một niềm hoan lạc chua xót kéo
dài (Cung nữ, Cỏ mềm, Mây về ngàn...).
Cần phải thấy rằng không phải họ không nhận thức được sự thật, nhưng dường như
với họ, chính sự “mù quáng” ấy mới thực là hạnh phúc, hoặc mới thực đem lại cảm
giác hạnh phúc. Đấy là những mẫu phụ nữ “duy cảm”, “duy tình” một cách khá đặc
biệt. Những mô típ về “mái tóc” hoặc “cỏ dại” xuất hiện trong nhiều tác phẩm của
Nguyễn Thị Phước cũng có thể xem như những biểu tượng gợi cảm về người phụ nữ này:
giàu bản năng yêu thương, yếu mềm, vị tha, nhẫn nại...
Nhìn khác đi, cũng có thể nói rằng đấy là những con người
đầy mơ mộng. (trong cái thời hiện tại, việc đắm đuối với tình yêu, thậm chí có
thể chết vì nó, chẳng phải là một điều quá chừng mơ mộng hay sao?!) Sự mơ mộng
là khi con người luôn đặt niềm tin vào tình yêu, vào lòng tốt và sự vị tha, bất
chấp thực tế đầy bội bạc và tráo trở. Sự mơ mộng là khi con người luôn giữ
trong tâm hồn những run rẩy yêu thương cho dù cuộc sống đầy tầm thường, thực dụng.
Sự mơ mộng là khi con người biết từ chối bộ “đồng phục” tinh thần của đám đông,
dám đi chệch ra ngoài đường ray đạo đức xã hội, để sống với giấc mơ hạnh phúc của
cá nhân mình. Và như thế, phải rất can đảm mới có thể mơ mộng.
Có thể nói đấy là một đặc điểm thú vị và khá nổi bật
trong tính cách nhân vật nữ của Nguyễn Thị Phước. Tuy nhiên, trong một số truyện,
tác giả hơi sa đà trong việc mô tả tâm lí mềm yếu của nhân vật. Thật ra mà nói,
sự mô tả như là “lật giở” nội tâm ấy là một phương cách khá hiệu quả để người đọc
hiểu về những diễn biến tâm tư phức tạp
của nữ giới và cũng là một yếu tố góp phần đem lại màu sắc cảm xúc đậm nét cho
câu truyện. Nhưng nếu đẩy đến thái quá, hình tượng sẽ trở nên ướt át, uỷ mị, thậm
chí bi luỵ một cách không cần thiết.
Với những người phụ nữ “luỵ tình” này, hạnh phúc nhiều
khi chỉ là một cảm giác hết sức chủ quan và mong manh. Nhưng ngay cả với những
người phụ nữ mà theo cách đánh giá thông thường là “bình thường”, tỉnh táo, thậm
chí khôn ngoan, sắc sảo đến điều cũng chưa chắc đã tìm được hạnh phúc đúng nghĩa.
Nhân vật bà mẹ trong truyện Cau non là
một bằng chứng tiêu biểu. Khi dùng mọi toan tính để cố giữ lấy vẻ ngoài của một
gia đình lí tưởng, mẫu mực, khi cố đeo một cái bầu giả để cố giữ tiếng cho gia đình
và để níu kéo tình cảm của người chồng, ấy cũng là khi bà mất đi những gì hằng
mong muốn. Hình tượng người đàn bà khôn ngoan sắc sảo ấy vừa là một sự tương phản
với tình địch - nhân vật o đào Vân, một người đàn bà đam mê, “dại dột”, nhưng đồng
thời cũng là một sự bổ sung toàn diện hơn cho cái nhìn của nhà văn về thân phận
phụ nữ: xét cho cùng, làm đàn bà bao giờ cũng khổ, có cái khổ do hoàn cảnh đem
lại, lại có cái khổ do mình dại dột tự gánh lấy và dẫu có muốn tránh cũng không
được. Và vì vậy, dù tính cách có thế này hay thế khác, dù cuộc đời bình lặng
hay ngang trái, éo le, bao trùm lên chân dung những người phụ nữ ấy là một cái
nhìn vừa đồng cảm vừa thương xót, vừa chia sẻ lại vừa có chút gì như là nỗi tái
tê thầm lặng.
Vừa đối lập, vừa bổ sung cho tuyến nhân vật phụ nữ là tuyến
nhân vật đàn ông. Trong truyện của Nguyễn Thị Phước, phần lớn đàn ông thật đáng
chán. Dù đầy mình bằng cấp, học hàm, học vị, phần lớn đấy là những kẻ trục lợi,
háo danh và đê tiện một cách khá... nhạt nhẽo (nhưng bi hài là ở chỗ người ta cứ
cố tô vẽ cho thành những hình mẫu tuyệt đối, lí tưởng). Thật ra, trong Gió mùa đi qua, những người đàn ông tốt,
chân thành, vị tha không phải là không có, nhưng thưa hiếm và nhiều khi chỉ như
là một thứ “phần thưởng cho người tốt”. Những hình tượng này xuất hiện không phải
do logic của câu chuyện đẩy tới mà như là một kết thúc có hậu định sẵn, nó mang
tính “an ủi” nhiều hơn là một khái quát có sức nặng về đời sống. Phần lớn những
nhân vật đàn ông mới chỉ dừng lại ở mức phác hoạ (hoặc biếm hoạ) đơn giản và có
phần sơ lược.
Truyện của Nguyễn Thị Phước thường có kết cấu không mấy
phức tạp. Cốt truyện thường xoay quanh những tự sự trăn trở của một nhân vật
(thường là người kể chuyện) về chính đời mình, số phận của mình, chuyện tình cảm
của mình, hoặc một ai đó gần gũi thân cận, để từ đó mà nghĩ xa hơn về cái cuộc đời
đầy phiền toái và phức tạp nói chung. Khi kể, tác giả thường chú ý đến việc đặt
đối tượng (nhân vật, sự việc...) trong những hệ quy chiếu giá trị khác nhau và điều
này vừa khiến cách mô tả hiện thực không sa vào xuôi chiều, dễ dãi, vừa khiến
giọng kể trở nên sinh động, linh hoạt. Chẳng hạn nếu đặt trong quan niệm giá trị
cá nhân thì cái khao khát được biết về “dấu tích” của mình để lại trong kí ức
người tình hơn ba mươi năm về trước của nhân vật Hồng (Dấu
vết đỏ) quả thực hết sức lãng mạn và đáng trân trọng, nhưng nếu đặt trong
quan niệm xã hội thông thường thì sẽ thấy dở hơi, buồn cười, thậm chí lãng mạn
rởm. Nếu có lúc nào đó, khi cách kể trở nên hơi thuần giọng trữ tình, nghĩa là
trở nên đơn điệu, thì việc gia tăng những cách nhìn ngược chiều này là rất cần
thiết, nó góp phần bổ sung tính chất đa thanh và tinh thần dân chủ trong cách kể,
giọng kể. Những truyện thành công nhất của tập như Dấu vết đỏ, Cau non, Mây về ngàn cho thấy khá rõ điều này. Còn
trong những truyện như Cung nữ, Cỏ mềm, tôi
đọc, không thấy thật thích, không hiểu có vì thiếu yếu tố trên?
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước thường có những cái tên
khá gợi, chẳng hạn: Người về Ngàn Phố, Dấu
vết đỏ, Mây bạc, Cau non, Bóng lá, Cát mặn, Cỏ mềm... Kết thúc của các câu
chuyện thường “mở” với những câu cảm thán,
những lời than, tiếng gọi. Đây là một trong những yếu tố tạo nên sắc thái trữ tình
rất riêng trong các sáng tác này. Một điều cũng đáng chú ý là diễn biến của các
câu chuyện thường được mô tả trên nền bối cảnh xứ Nghệ với những địa danh xác
thực, cụ thể như Kẻ Si, Ngàn Phố, Sơn Kim, Vinh, Sông La, Sông Lam, núi Quyết,
Bến Thuỷ, Cửa Lò, Chùa Hương – Ngàn Hống... Tôi không rõ tác giả có chủ ý gì
khi sử dụng dầy đặc những địa danh xứ Nghệ như vậy. Tuy nhiên, điều đó ít nhiều
cũng khiến người đọc cảm thấy thú vị và ở một chừng mực nhất định, nó còn giúp
người đọc hình dung ra những khía cạnh sâu hơn, trữ tình hơn về văn hoá sống trên
mảnh đất này. Truyện của chị cũng khá giàu về các tình tiết, chi tiết, chúng nối
kết với nhau tạo nên một mạch chuyện chảy trôi tự nhiên và dung dị. Tuy nhiên,
trong một số trường hợp, tình tiết mang tính xếp đặt hơi lộ liễu, chưa thực sự
thuyết phục, chẳng hạn sự trùng hợp trong Chuyên
án chưa kết thúc. Tôi thích sự trùng hợp trong Dấu vết đỏ hơn. Nó có tính chất ngẫu nhiên, như là sự sắp xếp của số
phận và vì vậy mà tự nó nói lên được nhiều điều.
Với 13 truyện ngắn và 198 trang in, quả thực Gió mùa đi qua có vẻ khá mỏng mảnh về
dung lượng câu chữ. Tuy nhiên, những cảm nhận và suy nghĩ (tôi tạm gọi là đó cái
“dung lượng tinh thần”) mà nó để lại cho người đọc, chí ít là với tôi, thì không
hề “mỏng mảnh” hay nhoà nhạt. Gió mùa đi
qua đã cho tôi một hình dung khá rõ nét về diện mạo nghệ thuật của Nguyễn
Thị Phước, một nhà văn nữ xứ Nghệ mà tôi yêu mến. Và không chỉ vậy. Những quan
niệm về cuộc sống, về văn chương, về người phụ nữ của chị đã thực sự “lôi kéo”
tôi vào những day dứt, trăn trở, thậm chí còn tạo nên cái nhu cầu được “đối thoại”
ngược chiều với tác giả. Hy vọng với nội lực ấy, tác giả sẽ còn tiếp tục bước
xa hơn trên con đường sáng tạo.
Vinh,
17/3/2008
(T/C Sông Lam, số 86/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét