Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Thơ Thanh Thảo

 

TIẾNG THÉT GỌI CỦA CON NGƯỜI ĐÃ VƯỢT LÊN NỖI SỢ

(Đọc trường ca Đêm trên cát, trong tập Trường ca

của Thanh Thảo, Nxb Hội Nhà văn, 2009)

 

                                Lê Hồ Quang

Đêm trên cát nằm trong vệt tác phẩm viết về nghệ sĩ - trí thức, một kiểu hình tượng nổi bật trong thơ Thanh Thảo thời hậu chiến. Viết về Cao Bá Quát, một nhà nho, một nhà thơ, vị quân sư của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, một con người có tài năng và số phận khác thường trong lịch sử dân tộc, trường ca này là cuộc giải phẫu nội tâm cá nhân bi tráng gắn liền cảm hứng nhận thức, lý giải về trách nhiệm trí thức trước các vấn đề của thời cuộc, của đời sống lịch sử - xã hội.

Bao trùm Đêm trên cát là một trạng thái nội tâm đớn đau, bi phẫn. Trạng thái ấy gắn liền ý thức sâu sắc về đời sống cá nhân, xã hội, trách nhiệm của kẻ sĩ và cũng chính nó đã thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ, dữ dội. “Ta” (được hiểu theo nghĩa đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất), là cách xưng danh của nhân vật trữ tình. Nó vừa gợi cảm giác xưa cũ (thường gặp trong thơ xưa); đồng thời nhanh chóng xác lập tâm thế tâm sự/ tự sự/ giãi bày... của nhân vật: Ta đứng đây/ nương tựa vào chính mình vào mặt đất... Nhưng việc đào sâu vào thế giới nội tâm cũng là dấn sâu thêm vào cảm giác tổn thương nghẹn ngào chua xót:

tóc xõa đầu ngọn gió

rối bời bao tâm sự

ta già rồi chăng

trước mặt bức tường cao thêm mãi

gánh nặng lưng còng trèo non lội suối

xòe bàn tay còn lại đất bùn

mong tài năng nở rộ dưới vầng dương

buồn cười thay

nghe trong miệng vị sương mù nhạt thếch

Cuộc sống khốn cùng của “dân đen”, của vợ con, bằng hữu và của cả chính ông là một hiện thực nhỡn tiền. Nó đập thẳng vào mắt, buộc ông không thể tránh né:

- cha lẩn thẩn đi học nghề mổ rồng

đâu ngờ các con đói gầy đến thế

như Thiếu Lăng thuở xưa về nhà

ôm mặt khóc đất trời sầm tối

- dài làm sao những buổi chiều trống rỗng

bụng quắt queo kiến bò

cái đói thật tình xuống hai hàng nước mắt

nào phải chuyện văn thơ

Hiện thực ấy đã nghiền nát ảo tưởng “nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng.../ Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình, Chu...”, “đạp cửa phù đồ”, “xoay cơn khí số”[1] của chính Cao Bá Quát thời tuổi trẻ. Đối mặt với thực tế, giấc mơ công danh đã bộc lộ tất cả sự hão huyền, thê thảm của nó: hố thẳm/ bao năm ròng chới với/ lòng mê man vin một chút danh hờ; mong tài năng nở rộ dưới vầng dương/ buồn cười thay/ nghe trong miệng vị sương mù nhạt thếch... Không phải ngẫu nhiên mà hình dung của Cao Bá Quát về bản thân mình là kẻ “đứng phía mặt trời lên chậm”, “một gã nhà thơ cùng đường”, “con chim quyên lỡ vận”, kẻ “giận mình chưa học được phép ngủ/ mắt trừng trừng mở trước vực sâu”... Nó đi cùng ý thức sâu sắc về sự đơn độc của bản thân trong một môi trường bạc nhược, hèn đớn, tù đọng đáng sợ của xã hội, của bộ máy cầm quyền, nơi mà “mục nát lại chồng lên mục nát”. Bởi vậy, có thể nói Đêm trên cát chính là tâm sự của con người đã bị dồn đuổi tới bước đường cùng của hoàn cảnh và số phận, buộc phải đứng trước lựa chọn mà dù chọn bên nào cũng đều gắn liền với đớn đau, mất mát cùng cực. Nhưng trước sau ở Cao Bá Quát vẫn là một tâm niệm nhất quán:

quê hương

nếu cần phải làm lại

nếu phải làm ngay không trễ nải

ta xin hiến nốt đời mình

Khao khát lý tưởng và sự thật, bất chấp nguy cơ cận kề “mõm chó vó ngựa”, cái tôi Cao Bá Quát quả quyết “vung sự thật như cái vồ bằng đá/ giáng xuống những cơn mê”. Để đi đến cùng lựa chọn, ông phải trả bằng một cái giá rất đắt (trên thực tế, Cao Bá Quát phải trả giá bằng mạng sống của chính ông và cả gia tộc). Như vậy, cuộc đấu tranh nội tâm - tư tưởng ở đây cũng là quá trình đi đến nhận thức về cái giá khắc nghiệt phải trả “cho mỗi phẩm chất người/ dù rất nhỏ”. Ấy là Tự Do, thậm chí là cái chết. Điều này không chỉ cho thấy sự khó khăn trong lựa chọn. Nhìn từ phương diện nào đó, nó hé lộ cái đẹp bi tráng của tinh thần lựa chọn/ dám lựa chọn ở cá nhân.

Có lẽ bởi vậy mà “tiếng thét gọi” của con người ấy được tạo hình bằng những chi tiết thật dữ dội:

gió

cát

quay cuồng

chiếc lá

xốc áo đứng lên

lưu đày

bầy cá nược đua theo thuyền

trăng bầm đỏ

mặt biển bùng cơn ác mộng

con quái vật lừ lừ phun khói

đang bò về phương Đông

ta thét gọi

chỉ mình ta tỉnh thức

tiếng ta chìm như hòn sỏi giữa mênh mông

Từ nội tâm sôi sục, “tiếng thét gọi” đã hiển hiện trong những câu thơ/ như khạc từng búng máu, thành lời kêu gọi hành động quả quyết: hãy đứng lên ngọn lửa/ giữa màn đêm kinh sợ/ hãy thắp sáng lời nguyền rủa/ trước Ngọ Môn/ hãy uống cạn con đường/ đầy chông gai cạm bẫy/ hãy xuyên thủng bức tường/ bằng ngôn ngữ/ hãy chế ngự thời gian/ bằng lặng lẽ. Càng ngày, “tiếng thét gọi” ấy càng trở nên gấp gáp, quyết liệt: hãy tỉnh dậy/ từ giấc ngủ/ nhằm đánh lừa/ cái bụng đói/ nhằm an ủi/ vết thương sâu/ hãy tỉnh dậy/ bóc lá cao/ lời đường mật/ vứt toa thuốc/ bọn lang băm/ chuyện mánh mung/ trò bố láo/ hãy tỉnh dậy/ chớ mộng du/ đừng khiếp sợ.../ hãy tỉnh dậy/ nào bạn ơi!... Nhu cầu sự thật ở đây không chỉ là khát vọng của Cao Bá Quát, ấy là sự cộng hưởng tinh thần của Thanh Thảo và thời kỳ tiền Đổi mới mà tác giả Đêm trên cát sống và viết. Cái quyết liệt của Cao Bá Quát dường như cũng là cái quyết liệt của tâm hồn và ngòi bút Thanh Thảo: cháy tận cùng ngọn lửa/ dù phải thiêu đốt cả mùa hạ.

Dĩ nhiên, luôn cần ý thức rằng đây là Cao Bá Quát - một mẫu hình trí thức lý tưởng trong quan niệm của Thanh Thảo. Trên thực tế, giữa hình tượng này và nguyên mẫu trong lịch sử có thể không hoàn toàn trùng khít và đấy là một điều hết sức bình thường. Hình tượng này là kết quả của một quan niệm sáng tạo riêng, thể hiện rõ sự đồng cảm, thấu hiểu và khả năng phân tích nội tâm của ngòi bút Thanh Thảo.

Trong Đêm trên cát, sợ hãi là trạng thái nghiệm sinh đầy bi đát. Đó là nỗi sợ như là siêu hình, không thể cắt nghĩa, lý giải. Cái bóng vô minh hắc ám lừng lững vây bủa không khí để thở, thức ăn để ăn, nước để uống. Một thứ thán khí bao trùm. Sợ hãi khiến con người tê liệt, mất hết khả năng nhận thức, phản biện và phản kháng. Nó hủy diệt khả năng tự do và tự quyết. Sống trong sợ hãi, con người đồng thời sống trong cảm giác bất an thường trực. Mất niềm tin vào chính mình, vào lẽ phải, sự công bằng, những điều tốt đẹp, con người dễ dàng bán rẻ lòng tự trọng, sẵn sàng hành xử như một kẻ đốn mạt chỉ để “thích ứng”. Ấy là một ngục thất tinh thần, nó nô dịch con người tự bên trong, biến anh ta thành nô lệ từ đáy sâu vô thức:

bị trói chặt giữa vòng dây và bóng tối

giữa thói quen hằng ngày và nỗi sợ

những chữ lạ viết mãi vào không khí

thẩm vấn tra tấn ngục tù

không duyên cớ không tuyên án

tóc bạc trắng chờ lưỡi - dao - chưa - biết - bao - giờ - đến

Khi con người thường trực phải sống trong nỗi bất an, sự sợ hãi, cảm giác bị đe dọa, điều đó phản chiếu một hiện thực xã hội như thế nào, đấy hẳn không phải là điều cần nói thêm.

Đêm trên cát là cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt của một kẻ sĩ giữa lý tưởng cá nhân và trách nhiệm gia đình, giữa khát vọng xả thân vì nghĩa lớn và danh vọng, lợi ích cá nhân. Nhưng, bao trùm tất cả, gay gắt hơn cả, là cuộc đấu tranh giữa một bên là khát vọng sống như một con người chân chính và một bên là nỗi sợ hãi vây bủa. Trong thơ Thanh Thảo (và có lẽ, trên thực tế), quyết định đứng lên chiêu mộ dân nghèo khởi nghĩa chống lại triều đình, lựa chọn trở thành “giặc”, “kẻ nổi loạn”, “tên phản nghịch” trong mắt triều đình thực chất không hề dễ dàng đối với một nhà Nho như Cao Bá Quát. Nhưng nhìn rộng ra, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, những lựa chọn hành/ tàng, xuất/ xử trong những thời khắc lịch sử đòi hỏi quyết định có bao giờ là dễ dàng đối với một kẻ sĩ chân chính? Trong Đêm trên cát, vượt qua những đấu tranh, giằng xé, cái quyết định cuối cùng của Cao Bá Quát là “xốc áo đứng dậy”. Hành động vì cuộc sống của những kẻ khốn cùng. Vì lý tưởng về một xã hội tốt đẹp hơn. Và, nhìn từ góc độ triết lý nhân sinh nói trên, hành động cũng là một cách để đối diện với nỗi sợ của chính mình. Để vượt lên nỗi sợ như là định mệnh của cá nhân. Của cả thời đại. Do vậy, thời khắc ấy có ý nghĩa không phải chỉ với Cao Bá Quát - người anh hùng của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, mà đặc biệt có ý nghĩa với Cao Bá Quát - người nghệ sĩ, trí thức chân chính:

khởi từ giờ tý

nơi bản lề cánh cửa mở vào ngày mới

ta xin đứng lại

chiến đấu như một người

chặn đường nỗi sợ

và chết như một người

đã vượt lên nỗi sợ

Cũng cần phải nói thêm rằng, quyết định của người anh hùng Cao Bá Quát không hẳn đã là cái đích ban đầu được vạch sẵn, được ý thức rành rõ và cứ thế đi đến cùng. Trong quan niệm của Thanh Thảo, những hành động anh hùng, những tư tưởng anh hùng và cả những con người anh hùng thực sự không phải là sản phẩm của óc tư biện chủ quan duy ý chí. Chúng luôn được hình thành và tôi luyện trong những hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Cũng vậy, những phẩm chất “kẻ sĩ” đích thực luôn là kết quả của một quá trình va đập với hoàn cảnh sống, là sản phẩm cụ thể của những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, không thể tách rời với những vấn đề của hiện thực đời sống và con người. Dẫu được gợi cảm hứng từ một nhân vật lịch sử, nhưng những trăn trở, suy tư thời hậu chiến và tiền Đổi mới đã in đậm vẻ khắc khổ, thậm chí cả sắc thái bi kịch trong chân dung trí thức trong Đêm trên cát. Nó cho ta thấy quan niệm, tư tưởng của chính nhà thơ về những vấn đề của đời sống nhân sinh - xã hội hiện tại. Thực chất, đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm của Thanh Thảo từ Những người đi tới biển đến Dạ, tôi là Sáu Dân, có điều theo một cách tiếp cận và diễn đạt có khác.

Như chính lời đề từ cho biết, tác phẩm viết về “một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát”. Đó là một không - thời gian mang tính tượng trưng rõ nét. Ở đó, mỗi giờ khắc, sự vật, hình ảnh đều đánh động nỗi bi phẫn, sự cô đơn, tinh thần trách nhiệm và khát vọng lớn lao. Tiếng nói nội tâm, dễ bị áp chế bởi ánh sáng ban ngày, bởi những ồn ào đám đông, nay trỗi lên mãnh liệt dị thường khi bóng tối và sự im lặng vây bủa. Đó cũng là cái thời điểm con người khó trốn chạy chính mình hơn cả. Đặc biệt, không - thời gian này còn gắn liền với cảnh ngộ tù đày có tính cá biệt của Cao Bá Quát. Đêm trên cát, do vậy, dồn chứa sức nặng tâm sự của cả một cuộc đời và thậm chí cả nhiều cuộc đời. Nó cho phép nhà thơ có thể xây dựng những chiều liên tưởng phong phú, trùng phức, đa chiều, ngỡ như lộn xộn, phi lý nhưng lại hoàn toàn hữu lý (nếu ta nhìn từ xuất phát điểm cấu tứ của tác phẩm: dòng tâm tư đặc biệt của một con người đặc biệt, trong một không - thời gian đặc biệt). Từ đây, nổi bật lên hình tượng một con người đơn độc trong đêm, bị vây bủa trong mênh mông bóng tối và sự cô độc, nỗi sợ hãi, những tra vấn giày vò. Có một sự tương phản gay gắt giữa cái im lặng thăm thẳm của đêm tối, của bãi cát dài và cái giằng xé dữ dội trong tư tưởng con người. Những câu hỏi liên tục xoáy sâu như sóng triều về cuộc đời, con đường phải đi, về gia đình, bằng hữu, những kẻ dân đen khốn cùng:

- Vì lẽ chi

họ bỗng đặt vào ta bàn tay lửa

ta có thể đưa tặng họ món ăn gì

ngoài hy vọng?

ta có thể trao cho họ của cải gì

ngoài gánh nặng?

khi ta giương ngọn cờ cay đắng

vì lẽ chi họ hăm hở tụ về?

- Muốn hỏi cây gạo làng Phú Thị mà hoa đỏ bao lần

ám ảnh tuổi thơ

muốn hỏi chiếc gông dài nặng hơn cả ngàn trang sách

mùa xuân mang rượu lên núi cao

muốn hỏi Ức Trai người anh hùng muôn thuở

cái gì sẽ đổi thay?

Hình ảnh, thi tứ thơ Cao Bá Quát tràn ngập trong tác phẩm, tạo nên một “dung môi” thi ca khá đặc biệt (điều ta cũng sẽ thấy trong trường ca Trò chuyện với nhân vật và tác phẩm có dung lượng nhỏ hơn, bài thơ Đàn ghita của Lorca). Cái tên Đêm trên cát rõ ràng được xây dựng trên cơ sở liên tưởng với bài thơ nổi tiếng của Cao Bá Quát - Sa hành đoản ca... Và khi đọc đến những câu thơ: khêu bấc đèn ngóng đợi/ ngỡ vừa nghe tiếng kẹt cửa của hư vô/ giật mình chưa học được phép ngủ/ mắt trừng trừng mở trước vực sâu; ta đã giải trọn kiếp người/ với dòng sông dựng ngang trời thanh gươm/ với bài ca thủa khốn cùng/ hát bên người đói ngập ngừng xin cơm/ với tàn nhẫn lời roi song/ cháy trên da thịt hãy còn biết đau... ta cảm nhận vang âm rõ rệt của những Sa hành đoản ca, Cấm sở cảm sự, Túng bút ngẫu thư, Trường giang thiên, Đằng tiên ca, Độc dạ cảm hoài... Có thể nói Thanh Thảo “ngấm” rất sâu tinh thần thơ Cao Bá Quát. Ngay cả khi tác giả không sử dụng nguyên văn câu chữ trong tác phẩm của Cao Bá Quát thì câu chữ, hình ảnh Đêm trên cát vẫn thấm đẫm phong vị, hồn cốt của nhà thơ tài hoa thế kỉ XIX và vẫn đầy sức gợi.

Nếu hình dung Đêm trên cát là một chỉnh thể thì đấy là một cấu trúc chỉnh thể bao gồm nhiều câu thơ vừa nằm trong mạch thơ chung, vừa có tính độc lập tương đối. Ta có thể dễ dàng “lẩy” ra nhiều trích đoạn mà ở đó  độ dồn nén câu chữ, sức gợi của hình ảnh, nhạc tính, đã tạo nên vẻ đẹp và tính thơ rất sâu:

- lặng yên trên bề mặt

gào thét dưới chiều sâu

hiểu những giới hạn

và khoảng khắc

một thành hai thành ba thành vô số

mãi mãi dò tìm

mãi mãi không thể nào chạm đáy

- Có tiếng gì quen thuộc

đến từ sắc trời phút giây thay đổi

chừng gọi ta từ yên tĩnh không cùng

- ta nghe những cánh rừng quẫy mạnh

trong hoang vu

cây vươn vai ầm ào như bão

có nhẽ ta chưa từng đến đó

chưa dò xuống những bậc thang kỳ lạ

để thám hiểm chính mình

để vớt lên

những cánh hoa cho mùa xuân khác

- khô khốc

một tiếng kêu ngắn

khô khốc

khoảng lặng im đầy âm nhạc

chờ đợi những bước chân

của màu nâu trầm ấm

Cao Bá Quát là một hình tượng tư tưởng. Cái cốt lõi tạo nên vẻ đẹp của hình tượng này là quan điểm, nhận thức. Nhận thức về vị trí, trách nhiệm của một trí thức trước đời sống xã hội. Nhận thức về những “phẩm chất người” cần có trong một thời đại nhiễu nhương, biến động. Nhận thức về sự lựa chọn khi phải đứng trước ngã ba của lòng người và lịch sử. Cái quyết liệt, mạnh mẽ ấy tạo nên sức vóc cho trường ca, và “tính vấn đề” của tư tưởng, hình tượng:

ở những ranh giới mơ hồ

đây là điều sáng rõ

phải trả giá cho mỗi phẩm chất người

dù rất nhỏ.

Sự khách thể hóa cao độ của hình tượng tạo điều kiện để tác giả có thể mô tả sâu sắc, tường tận hơn vẻ đẹp và độ phong phú trong đời sống nội tâm nhân vật. Tuy nhiên điều này đã làm mờ đi sự thể hiện trực tiếp của cái tôi tác giả. Theo cách này, nói về nhân vật lịch sử Cao Bá Quát là nói về một đối tượng ở bên ngoài nhà thơ, tồn tại độc lập với nhà thơ và những vui buồn, uất hận của nhân vật kẻ sĩ - trí thức này dường như cũng có một khoảng cách nhất định với tác giả - chúng là những đối tượng khách quan được mô tả. Và bởi vậy, Đêm trên cát dễ được tiếp nhận như một sự suy ngẫm, triết lý, chiêm nghiệm có tính khái quát về con người và đời sống nói chung hơn là một thái độ xã hội - thực tiễn trực diện, cụ thể. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao Đêm trên cát không gây ra “hiệu ứng thời sự” như một vài bài thơ cùng thời điểm của các tác giả khác, dẫu rằng vấn đề nó đặt ra trong đó hết sức có ý nghĩa.

Từ góc nhìn của Thanh Thảo, Cao Bá Quát đã trở thành một hình tượng giàu tính tượng trưng, “sáng” lên từ nhiều ý nghĩa: người thức tỉnh, người kêu gọi, người dấn thân. “Phẩm chất người”, mà cũng là phẩm chất trí thức trong quan niệm này là khả năng đối mặt với chính mình, dám đi tới cùng sự lựa chọn lý tưởng và giải quyết không chỉ bằng tư tưởng, thái độ mà còn bằng hành động can dự mạnh mẽ vào thực tiễn đời sống. Đó là kết quả của sự nhận thức và tự nhận thức rạch ròi, tỉnh táo, triệt để. Có vậy con người mới đủ sức vượt qua sợ hãi và những ngụy tưởng chân lý.

                                                     Vinh, 12/6/2015

 

 

 

 

 

 

 



[1] thơ Cao Bá Quát

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét