Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Lời nghìn năm - Thạch Quỳ

 

                LỜI NGHÌN NĂM HAY LỜI CỎ?

                                                                                    Lê Hồ Quang

 

LỜI NGHÌN NĂM

      (Thạch Quỳ)

Nghìn năm mưa đã từng mưa

Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?

Nghìn năm vẫn nắng gió Lào

Quay cuồng lốc bụi trước rào nhà tôi?

Nghìn năm còn nữa hay thôi

Những người mong nhớ, những người ngóng trông...

Nghìn năm biết có còn không

Hoa trên đá, phấn trên thông ghẹo người?

Tháng năm lần lựa đắp bồi

Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm. [1]

 Ngay từ cái tên - Lời nghìn năm - bài thơ đã cho thấy rõ “tham vọng” khái quát hóa và ý hướng triết lí của tác giả. Nhưng Lời nghìn năm là gì? Đó là một thách thức không dễ trả lời. 

Thạch Quỳ đã buộc độc giả, gần như ngay lập tức, nhập vào mối quan tâm của ông theo cách riêng - bắt đầu từ liên tục những câu hỏi. Những câu hỏi dồn dập, cắc cớ, theo kiểu rất… Thạch Quỳ!

Đầu tiên là câu hỏi này:

Nghìn năm mưa đã từng mưa

Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?  

Một câu hỏi độc đáo. Độc đáo bởi tính chất lưỡng lự của nó.  Mưa “đã từng” chứ không phải tiếp tục mưa, vẫn còn mưa. Như vậy, con số nghìn năm nhắc tới ở đây không hẳn là chỉ thời gian của tương lai, của nghìn năm tới, mà đã bao trùm cả quá khứ đã xảy ra và của cả tương lai sắp tới, nó là mạch chảy thời gian liên tục, miên viễn. “Mưa đã từng mưa” nghìn năm trước và nghìn năm sau vẫn mưa. Ý nghĩ của tôi có thể đi theo kiểu liên tưởng tương đồng - mưa gợi ý tưởng về mưa, chẳng hạn, liệu cơn mưa của hôm nay, trong phút giây hiện tại, có gì khác với cơn mưa của nghìn năm trước? Nhưng Thạch Quỳ lại khác, ông đi theo hướng liên tưởng tương phản - mưa và sỏi đá. Tác giả viết: Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? “Chưa” chứ không phải là không. Câu thơ nêu một giả thiết, một nghi vấn. Tác giả lựa chọn và xác định góc nhìn vấn đề từ nhãn quan và trải nghiệm cá nhân, vốn luôn bị giới hạn bởi sự hữu hạn của đời người (và do đó, có thể tránh được những kết luận như đinh đóng cột, có tính tiên nghiệm, dễ làm mất đi tính hứng thú của vấn đề). Ở góc nhìn đó, cái tôi trữ tình khó có thể kết luận, anh ta chỉ có thể đưa ra một dự đoán (dù cũng có thể hiểu như một lời khẳng định), đó là sức mạnh tác động và phá hủy của thời gian. Cùng với thời gian, cả vũ trụ thay đổi, như sự biến dạng của những tảng thiên thạch vũ trụ trong vụ nổ Big Bang thành viên sỏi nhỏ hôm nay.

 Cấu trúc trùng điệp khiến câu hỏi cứ xoáy đi xoáy lại. Sau nghìn năm, điều gì sẽ thay đổi? Điều gì còn lại, điều gì sẽ mất đi? Câu hỏi được lặp lại, với đôi chút biến đổi, nhưng nhất quán trong cấu trúc, tư tưởng và mục đích. Nếu ở hai cặp trên, câu hỏi được trải ra trong cả hai dòng, thì ở hai cặp dưới, câu hỏi ngày càng ngắn gọn hơn, trực diện hơn: Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?/ Nghìn năm vẫn nắng gió Lào/ Quay cuồng lốc bụi trước rào nhà tôi?/ Nghìn năm còn nữa hay thôi? / Nghìn năm biết có còn không?...

Thực ra, ý tưởng sự tàn phá của thời gian không mới. Trong thi ca, motip thời gian tàn phá đã trở thành phổ biến. Nói đến thời gian trong thơ xưa là nói đến cảnh “thương hải tang điền”, “thế gian biến cải vũng nên đồi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); Khóc vì nỗi thiết tha sự thế/ Ai bày trò bãi bể nương dâu (Nguyễn Gia Thiều); Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Nguyễn Du)… Vật đổi sao dời, sông cạn đá mòn là những thành ngữ nhằm diễn tả sự biến đổi có tính tất yếu của tự nhiên, đời sống, con người qua thời gian. 

Với Thạch Quỳ, tác động của nghìn năm có thể nhìn thấy ở ngay những sự vật, sự việc trước mắt, trong hiện tại: sỏi đá, gió Lào, lốc bụi, hoa, thông, người… Đấy là những sự vật, hình ảnh dường như đã được lựa chọn theo “tiêu chí” riêng của ông, vừa có tính tiêu biểu, đại diện, đồng thời lại phải được cá biệt hóa. Sỏi là biểu tượng cho sự cứng rắn, khó bề bị tác động/ thấm bởi mưa gió. Gió Lào, biểu tượng của thiên nhiên có tính đặc thù xứ Nghệ. Hoa trên đá, phấn trên thông ghẹo người là hình ảnh cái đẹp theo quan điểm của nhà thơ, cái đẹp tồn tại trong/ trên sự khắc nghiệt. Chúng gợi một miền không gian thơ được kiến tạo, tái dựng trên một miền đất kiên cường, “chó ăn đá gà ăn sỏi” - Xứ Nghệ.

Có điều, dù ráo riết, mục đích của việc đặt ra hàng loạt câu hỏi trong phần đầu của Lời nghìn năm dường như không phải để tìm kiếm câu trả lời. Đúng hơn, mục đích của nó không phải đi đến một câu trả lời có tính hoàn kết, đóng chặt. Mục đích chủ yếu của nó là để gây nên một chất xúc tác, một sự tập trung, một trạng thái thẩm mĩ căng thẳng và gây chú ý cao độ.

Bởi vậy, sau hàng loạt câu hỏi dồn dập, mạch thơ trở lại thong dong một cách cố ý ở hai câu kết:  

    Tháng năm lần lựa đắp bồi

   Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm.

Hãy chú ý đến hình ảnh cỏ trong dòng thơ cuối cùng. Cỏ là một hình ảnh thường trở đi trở lại trong thơ Thạch Quỳ, cùng với đá, sỏi:

- Nghìn năm rồi trên các thảo nguyên

Dưới mưa phùn ngọn cỏ mọc lên

                 (Cỏ)

- Hoa chẳng còn trên núi

Sông cạn trước mắt rồi

Thì li ti cỏ dại

Vẫn cứ màu tím tươi

                 (Cỏ dại)

- Dĩ nhiên là cỏ mọc lên

Dấu chân ngày trước khó nguyên vẹn rồi

                 (Trở lại thôn Yên)

- Vẫn sự sống lên mầm trong cỏ

Vẫn nhịp đất

Nhịp bốn mùa đang thở

Trong mỗi tế bào

                 Trên cơ thể của tôi

... Có một từ đồng nghĩa: Cỏ và Em

                 (Bên lề lá cỏ Uýt man)

- Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước

Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy

Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc

Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về

                 (Đợi em ngày giáp tết)

Vậy lời nghìn nămlời cỏ chăng? Lời nghìn năm là lời cỏ giả, cỏ dại, hay lời nghìn năm là lời của sự bất tử, trường tồn? Sau nghìn năm, sau tất cả, có lẽ chỉ còn cỏ “thản nhiên xanh”. Cỏ bé nhỏ rạp dưới chân người, nhưng cỏ chính là sự sống không thể hủy diệt. Ngôn ngữ của cỏ là vô ngôn, cũng là ngôn ngữ của vĩnh hằng. Cỏ là sự sống nghìn năm, cỏ tượng trưng cho lẽ mất còn, sự sống đích thực v.v. Có biết bao nhiêu ý nghĩa ta có thể dễ dàng trích xuất từ biểu tượng “mẫu gốc” này!

Là một người đặc biệt chú ý cái nghĩ của sự viết, chủ ý của Thạch Quỳ có lẽ không chỉ dừng lại ở những triết lí có tính bề mặt ấy. Ông thừa biết motip cỏ đâu xa lạ gì trong thơ Việt Nam và thế giới (tập Những dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo hoặc Lá cỏ của Walt Whitman là một ví dụ, cỏ cà rỡn nghịch ngợm trong thơ Bùi Giáng là ví dụ khác). Cái dấu phẩy ngắt đôi câu thơ kết thúc, thoạt nhìn như một bất ngờ phi lí, ngắm kĩ, nó là một nhắc nhở hữu lí: Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm. Tác giả hoàn toàn có thể viết khác, chẳng hạn: Lặng im, để cỏ nói lời nghìn năm. Như thế, cách ngắt nhịp hoàn toàn tuân thủ logic cú pháp thông thường. Nhưng như thế, ý thơ cũng sẽ chuội đi trong một nhịp nhận thức quen thuộc. Lặng im để cỏ,… như một ngập ngừng, một thoáng ắng lặng. Lặng im, vì cỏ có nói gì đâu? Lặng im, cũng là một lời đề nghị khẽ khàng nhưng ẩn chứa không ít quả quyết của một cái tôi “Không nhỏ bé tầm thường không vĩ đại/ Có thể vứt đi trong xó tối u buồn/ Có thể đứng trên hai chân vững chãi/ Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng (Tôi). Đó là lời đề nghị với đám đông diễn giải, vốn ồn ào và ưa đại ngôn.

Truy vấn về lời nghìn năm thực chất cũng là truy vấn về bản chất thực sự của tồn tại. Lời nghìn năm có thể được nói ra không? Những diễn giải về nó có thực là nó không? Sau tất cả, ai/ cái gì có thể chứng thực về lời nghìn năm, nói cách khác, là sự trường cửu? Với những câu hỏi đó, mọi khẳng định có tính tất yếu về cỏ, về thế giới hữu hình, về các phương diện tồn tại dường như cũng trở nên chênh vênh. Tôi thích sự chênh vênh đó. Sự chênh vênh của con người đi đến cuối chuỗi suy tư của mình, chợt nhận ra mình đang đứng từ vạch xuất phát của một chuỗi suy tư khác. Một chuỗi suy tư không khép kín, không hoàn tất. Đó cũng là nơi người ta không thể chắc chắn về bất cứ cái gì. Kể cả về cỏ. Ai biết cỏ nghìn năm trước và nghìn năm sau có phải là một? Trong từng khoảnh khắc, nghìn năm cất tiếng nói riêng của nó. Bằng chính từng mảnh nhỏ. Bằng cách nó hiện diện. Bằng lời cỏ. Có thể vậy. Có lẽ vậy.

Ý thức trước một chủ đề rất dễ dẫn người ta đến tư thế “đại ngôn”, lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm là một lời nhắc nhở, trước hết với mình, về một thái độ ứng xử cần thiết, với thơ, với cuộc đời. Một thái độ tự trọng mà vẫn tự tin, khảng khái, xuất phát từ sự biết mình, biết người, trong thái độ sống và viết đáng trọng.

Thạch Quỳ rất đề cao vẻ đẹp của tư tưởng thơ, hình thành từ thực tiễn đời sống, được kết đọng, tinh chế thông qua các phương tiện trữ tình. Thơ ông chú trọng sự chặt chẽ, cô đúc của tứ, sự tinh xác của chữ, tính cá biệt của chi tiết, hình ảnh. Cảm hứng thế sự thể hiện rõ trong sáng tác của ông, tiêu biểu là Với con, Cái nghèo, Tuổi tác, Đói, Qua đền Công ghi chuyện cũ, Trường Sa… Quan tâm và đề cao tính logic, hữu lí trong thơ, ông đồng thời vẫn bày tỏ một nhãn quan sáng tạo khá dân chủ và cởi mở. Trong vẻ cổ điển, thơ ông vẫn toát lên khí chất hiện đại.

Trong Lời nghìn năm, nghìn năm cỏ có thể hình dung như một cặp biểu tượng vừa song hành, sóng đôi, lại vừa thống nhất hòa nhập làm một. Điều thú vị là trong 10 câu thơ lục bát, hình ảnh nghìn năm xuất hiện đến 6 lần, còn cỏ chỉ xuất hiện duy nhất 01 lần, và ở dòng kết thúc. Nhưng chính ở vị trí đó, cỏ đã làm một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Nó “thiết lập” lại tứ thơ, mở ra những hướng tiếp cận mới, mang tính mở, với những cách hiểu đa dạng, có thể đan lồng vào nhau, lại có thể rất khác nhau, thậm chí đối lập. Đó thực sự là một cấu tứ độc đáo.

                                                    Vinh, 18/6/2021   

 



[1] Thạch Quỳ (2018), Tuyển tập thơ, Nxb Nghệ An.

[2] Sách trên, tr.403.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét