Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu - Tô Thùy Yên

 

                                         CUỘC RƯỢT ĐUỔI VỚI VÔ TẬN

                                                                                                            Lê Hồ Quang

 



Cánh đồng con ngựa chuyến tàu của Tô Thùy Yên được viết theo thể thất ngôn, gồm 15 dòng, không phân khổ, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, dễ hiểu, mô tả cuộc đua giữa một con ngựa và một chuyến tàu giữa cánh đồng - đó là những gì chúng ta có thể tóm lược ngay về bài thơ nổi tiếng này. Tuy nhiên, có thực nghĩa/ ý nghĩa của Cánh đồng con ngựa chuyến tàu chỉ dừng lại trong một vẻ đẹp đơn giản, mang tính truyền thống, dễ định danh, định tính? Tôi nghĩ không hẳn. Vẻ đơn giản của bài thơ này thực ra ấn chứa nhiều hơn thế. Nó là sự đơn giản đã được lựa chọn. Một sự đơn giản đầy kĩ thuật.  

Hãy bắt đầu từ bộ ba hình ảnh con ngựa - chuyến tàu - cánh đồng. Một cánh đồng rộng lớn, hoang vu, một con tàu đang băng băng chạy, một con ngựa đang rượt đuổi theo. Hãy chú ý đến tương quan chuyển động ngược chiều giữa con tàu và các sự vật trên cánh đồng. Sự thực thì tất cả các sự vật trên cánh đồng - cỏ cây, gò đống… - đều đứng yên, nhưng khi điểm nhìn đặt trên vật chuyển động, ví dụ trong con tàu đang lao vun vút nhìn ra, sự vật bên ngoài có vẻ như đang chạy lùi lại, đó là ảo giác về chuyển động ngược. Chi tiết “gò nổng cao” và “thung lũng sâu” cho thấy sự biến đổi trong tích tắc của ngoại cảnh và sự tinh vi của cảm giác con người.

Có thể hình dung tác giả đang kết hợp nhiều góc quay và điểm nhìn cùng lúc. Có điểm nhìn toàn cảnh, từ trên cao xuống, bao quát toàn bộ quang cảnh. Có điểm nhìn cận cảnh, quay sát đối tượng, và dáng nét, hình thể sự vật bỗng choán hết cả khung hình, sống động đến từng chi tiết. Có điểm nhìn từ trong con tàu đang chuyển động nhìn ra. Có điểm nhìn quan sát từ bên ngoài khung cảnh chiếu vào sự vật v.v. Đó là một kĩ thuật mô tả giàu tính điện ảnh.

Điểm nhìn của tác giả tập trung vào con ngựa chuyến tàu. Đối tượng dịch chuyển đến đâu, điểm nhìn (và trường nhìn) cũng dịch chuyển và kéo dài, mở rộng ra đến đấy. Tần số xuất hiện cao của động từ mô tả hành động của tàu (chạy - 5 lần), ngựa (rượt - 3 lần; thở - 2 lần; gục - 3 lần; ngã - 1 lần); phụ trợ thêm cảnh tượng nền (cỏ cây lùi, gò nổng cao rồi thung lũng sâu…)… Tất cả minh chứng thuyết phục cho tính động của cảnh tượng.   

Sự tập trung của điểm nhìn, tính dịch chuyển của sự vật trong bài thơ gợi ta nhớ đến những câu thơ  của Lí Bạch:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

          (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

          Hoặc gần hơn, dân giã hơn, như trong thơ Nguyễn Bính:

Hôm nay xuống bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

Anh đi đấy anh về đâu

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

(Cánh buồm nâu)

Tuy nhiên, nếu so với các bài thơ vừa dẫn, cảnh tượng trong Cánh đồng con ngựa chuyến tàu giàu tính lí trí, tính “nhân tạo” hơn nhiều. Nó không phải là phương tiện để khêu gợi tình cảm, nó là cái đối tượng được mô tả. Nó không cần nương theo một câu chuyện tình cảm. Nó hiện diện với tư cách một cảnh tượng độc lập. Một cảnh tượng đã được cân nhắc lựa chọn và sắp xếp sao cho nổi bật lên tính đơn nhất, tính tập trung và kịch tính của nó. Đây là một sự sắp xếp có chủ ý, nhằm tạo nên một hình thức mang tính quan niệm, một hình thức có khả năng diễn tả sức mạnh của định mệnh. Tàu chạy, ngựa rượt theo. Một cuộc rượt đuổi căng thẳng, gấp gáp, quyết liệt, nhưng dường như phần thắng thua đã là mặc định.

Hãy chú ý tần số xuất hiện của chữ “tàu” - 8 lần, gấp đôi số lượng “ngựa” (4 lần). Hãy chú ý sự điệp lại của các từ ngữ diễn tả tính chất chuyển động mạnh mẽ, máy móc, bền bỉ của cỗ sắt thép và sự cố gắng mãnh liệt nhưng đuối dần của con ngựa. Các từ ngữ này vừa lặp lại vừa có biến đổi. Đây là về sự chuyển động của tàu:

-         Câu 3: tàu chạy mau

-          Câu 4: tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau

-         Câu 9:  tàu chạy mau, càng mau, càng mau

-         Câu 13: Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.

Còn đây là về chuyển động của ngựa:

-         Câu 5: Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu,

-         Câu 8:  Ngựa thở hào hển, thở hào hển

-         Câu 11:  Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

-         Câu 14: Ngựa ngã lăn

Sự biến đổi ở tàungựa diễn ra theo chiều trái ngược và tăng cấp dần. Chúng thể hiện một cuộc ganh đua không cân sức, dù cả hai bên đều nỗ lực và đầy sức mạnh. Sức mạnh của con tàu là sức mạnh của máy móc. Nó băng băng tiến lên với mã lực không suy suyển. Bởi vậy, càng chạy nó “vẫn mau”, “càng mau”. Con ngựa - ngay từ đầu đã ở thế yếu, vị thế của kẻ phải bám đuổi: “Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu”. Và kết thúc, trong khi tàu vẫn vun vút băng lên thì ngựa “ngã lăn” ra cỏ. Phút trước, ống kính vừa quay cận cảnh hình ảnh “ngựa gục đầu, gục đầu” trong tiếng vó gõ dồn dập, dũng mãnh, thì phút sau, khi ống kính đã lia rộng toàn cảnh, giữa mênh mông cánh đồng “hoang thuần một màu”, chỉ còn lại hình ảnh con ngựa ngã gục, “chấm giữa nền nhung một vết nâu”. Một chấm nhỏ vô nghĩa và có lẽ, cũng là dấu chấm hết của một hoạt cảnh kịch tính, không ít sắc thái bi kịch.   

Đẩy hình tượng lên bề mặt văn bản, tập trung vào các chi tiết mô tả, tiết chế tối đa việc thể hiện cảm xúc chủ thể, Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu như một tác phẩm tạo hình với những hình khối mạnh, chắc, khỏe, đập mạnh vào ấn tượng thị giác.

Cuộc rượt đuổi giữa con ngựa và chuyến tàu giữa đồng hoang mênh mông, với tất cả ấn tượng thẩm mĩ khách quan mạnh mẽ, phải chăng là tượng trưng cho cuộc đua giữa sức mạnh kỹ trị của phương Tây (mà con tàu là đại diện) và nền sản xuất nông nghiệp truyền thống (với đại diện là con ngựa)? Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thế giới chứng kiến sự lên ngôi của Lí trí. Với những thành tựu vượt bậc của khoa học công nghệ, người ta tin vào sức mạnh và sự chiến thắng áp đảo của sức mạnh máy móc trong đời sống sản xuất và xã hội. Nếu hiểu theo nghĩa này, cuộc đua của con ngựa, bất chấp mọi nỗ lực, dường như cầm chắc phần thua cuộc.

Nhưng có lẽ, ý nghĩa của biểu tượng này không khép lại ở đó. Cuộc đua giữa ngựa và tàu phải chăng còn là cuộc rượt đuổi của con người với số phận, với thời gian vô tận, một cuộc rượt đuổi mang đậm tinh thần sisyphus? Bất chấp những dự báo khắc nghiệt - “sinh ra là để chết đi” - con người không ngừng tiến lên, bằng sự tự ý thức và bằng hành động lựa chọn. Một bước tiến lên trên hành trình ấy là thêm một bước con người đến gần hơn với sự gục ngã và cái chết. Dẫu vậy, trên dòng thời gian trường cửu, lạnh lùng, cái sát na con ngựa - người đã xuất hiện, đã cố hết mình để vượt lên hố thẳm của tồn tại, dẫu rồi cũng biến mất trên cuồn cuộn vô tăm tích, chẳng lẽ không nói với chúng ta một điều gì đó?

Là một trong những người sáng tạo chủ chốt của nhóm Sáng tạo, cùng với các nhà thơ như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… hành trình rượt đuổi điên cuồng, vô mục đích, vô tư lợi của con tuấn mã hẳn cũng đã gợi không ít suy tư về sáng tạo trong Tô Thùy Yên. Sự hành động như là bản năng, tự do, mãnh liệt, tự nócho nó, dường như cũng là vẻ đẹp tự thân của sáng tạo. Cảnh tượng ấy cũng gợi nhớ về một hành trình dai dẳng, đầy nỗi ám ảnh trong tâm thức thi sĩ, trong bài thơ cùng tên của chính Tô Thùy Yên: Tôi chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/ Giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô (Thi sĩ).

 Chiến tranh, đời sống đô thị hiện đại miền Nam Việt Nam, nền văn minh kỹ trị phương Tây, tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh… đã để lại dấu ấn đậm nét trong thơ Tô Thùy Yên. Cánh đồng con ngựa chuyến tàu cũng không ngoại lệ. Nếu con tàu, trong thơ thời tiền chiến, là biểu tượng của khát vọng dịch chuyển khỏi không gian tù đọng, tượng trưng cho tâm thức lãng mạn thì đến Tô Thùy Yên, được đặc biệt nhấn mạnh ở nghĩa tượng trưng cho sức mạnh cơ giới, ở thời đại cơ khí hóa, một biểu tượng đáng sợ của chủ nghĩa lí tính. Một khối sức mạnh sắt thép lạnh lẽo, không nhân nhượng, không thỏa hiệp. Trong bài Tàu đêm, ông viết:

 Tàu đi như một cơn điên đảo

 Sắt thép kinh hoàng va đập nhau

Ta tưởng chừng nghe thời đại động

 Xô đi ầm ĩ một cơn đau….

 

 Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc

 Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau

 Nghe cả hồn ta bị cán nghiến

Trên đường lịch sử sắt tuôn mau.

Nhưng có lẽ Tô Thùy Yên không phải kiểu người hoài cổ, chỉ chăm chăm vào hoài niệm và những giá trị xưa cũ. Ông nhận ra cả phần tất yếu trong những chuyển động của lịch sử và đời sống mà dẫu kinh hoàng, sợ hãi, nhân loại không thể từ chối đối mặt. Nhận thức tỉnh táo và chấp nhận đối mặt với sự thay đổi tất yếu là cách duy nhất để nhân loại có thể tiếp tục tồn tại. Đó là một thái độ thực tiễn và hiện đại:

Tàu ơi hãy kéo còi liên tục

Cho tiếng rền vang dậy địa cầu

Lay động những tầng mê sáng tối

 Loài người, hãy thức, thức cùng nhau

 Ở thế kỉ XXI, khi nhân loại đang đối mặt với một tương lai đầy thách thức, khi công nghệ thông tin kết hợp với công nghệ sinh học, khi thuật toán Big Data có thể tạo nên một nền “độc tài số” [2], và Homo Sapiens được cảnh báo đang đứng trước nguy cơ bị thay thế, thậm chí có thể bị xóa sổ bởi trí tuệ nhân tạo, việc đọc lại Cánh đồng con ngựa chuyến tàu hẳn sẽ tiếp tục đem lại nhiều nhận thức thấm thía.

  Với thể thơ thất ngôn, lời thơ tổ chức theo trật tự tuyến tính, hình ảnh thơ đơn giản, quen thuộc, Cánh đồng con ngựa chuyến tàu, thoạt nhìn, gây ấn tượng như một bài thơ giàu tính truyền thống. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ, ấn tượng ấy sẽ thay đổi. Cánh đồng con ngựa chuyến tàu là một bài thơ cách tân chính trong dáng vẻ truyền thống của nó.

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu thực chất là một cấu trúc tượng trưng. Một cấu trúc được thiết kế từ một tư duy lý trí sáng tỏ, với nhu cầu bày tỏ tư tưởng thông qua tổ chức ngôn ngữ hình tượng tương thích, đi cùng một trực giác thơ mãnh liệt, bén nhậy, gần như siêu hình. Kết hợp giữa hai mặt đối lập, giữa sự thông sáng hình ảnh, ngôn ngữ đến gần như đơn điệu, đến mức tưởng chừng không có gì đáng nói, với sự mơ hồ trùng phức bất khả diễn dịch của nó, giống như con xúc xắc nhiều mặt, quay mặt nào, Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu cũng cho phép ta mở ra những sắc thái thẩm mĩ và ý nghĩa khác biệt. 

                                                                 Vinh, 1/2/2021



[1] Tô Thùy Yên (2018), Tuyển tập thơ, Kẻ Sĩ xuất bản.

[2] Yuval Noah Harari (2019), Homo Deus, Lược sử tương lai, Dương Ngọc Trà dịch, Nxb Nhã Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét