THƠ PHAN ĐAN
khoảng trắng giữa trang Apocalypse
Lê Hồ Quang
Trong văn
bản mở đầu tập Thơ Phan Đan [1] - tản
mạn về thơ, Phan Đan viết:
“Mỗi ca
khúc là một giấc mơ hữu hạn được cắt gọt và đóng khung trong âm vực giọng người
và trong những xúc cảm người. Những giấc mơ hữu hạn làm tán loạn đời sống liên
tục của chúng ta và làm hoài thai những giấc mơ khác, có lẽ còn hữu hạn hơn.
Nhưng không có những tập hợp hữu hạn ấy, chúng ta biết làm gì trước THỜI
GIAN, dòng chảy tuyệt mù tăm tích này?”
Với Phan Đan, âm nhạc, thơ ca hay nghệ thuật nói chung, có lẽ mang cùng một ý nghĩa: những giấc mơ vượt lên sự hữu hạn để tìm đến “những đường biên giới mênh mông của đời sống”; chúng có khả năng “làm lộ diện niềm hạnh phúc mà ta đã bỏ qua, đã quên lãng, đã mất mát hoặc không thể nào bắt gặp trong cõi hiện thực hữu hạn của đời người”. Ý thức về sự “cắt gọt và đóng khung”, về sự “hữu hạn” (thậm chí là “những tập hợp hữu hạn”) của những giấc mơ sáng tạo không làm lu mờ đi ý nghĩa và giá trị thực sự của chúng: đó là một cách để con người đối diện và tìm thấy tâm hồn mình trên “dòng chảy tuyệt mù tăm tích” của thời gian và cõi vô cùng. Nhưng việc nhấn mạnh tính bất toàn và những giới hạn tất yếu của nghệ thuật và thơ ca, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh xã hội công nghệ hiện đại, đồng thời dẫn ông đến với một nhận thức và tâm thế cần thiết: sáng tạo nghệ thuật là một hành động lựa chọn và chấp nhận. Thơ là hành động ưu tư về cuộc đời và chính nó.