Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Thơ Phan Đan

 

THƠ PHAN ĐAN 

 khoảng trắng giữa trang Apocalypse

                                                                                        

 Lê Hồ Quang

 




Trong văn bản mở đầu tập Thơ Phan Đan [1] - tản mạn về thơ, Phan Đan viết:

Mỗi ca khúc là một giấc mơ hữu hạn được cắt gọt và đóng khung trong âm vực giọng người và trong những xúc cảm người. Những giấc mơ hữu hạn làm tán loạn đời sống liên tục của chúng ta và làm hoài thai những giấc mơ khác, có lẽ còn hữu hạn hơn.

Nhưng không có những tập hợp hữu hạn ấy, chúng ta biết làm gì trước THỜI GIAN, dòng chảy tuyệt mù tăm tích này?”

Với Phan Đan, âm nhạc, thơ ca hay nghệ thuật nói chung, có lẽ mang cùng một ý nghĩa: những giấc mơ vượt lên sự hữu hạn để tìm đến “những đường biên giới mênh mông của đời sống”; chúng có khả năng “làm lộ diện niềm hạnh phúc mà ta đã bỏ qua, đã quên lãng, đã mất mát hoặc không thể nào bắt gặp trong cõi hiện thực hữu hạn của đời người”. Ý thức về sự “cắt gọt và đóng khung”, về sự “hữu hạn” (thậm chí là “những tập hợp hữu hạn”) của những giấc mơ sáng tạo không làm lu mờ đi ý nghĩa và giá trị thực sự của chúng: đó là một cách để con người đối diện và tìm thấy tâm hồn mình trên “dòng chảy tuyệt mù tăm tích” của thời gian và cõi vô cùng. Nhưng việc nhấn mạnh tính bất toàn và những giới hạn tất yếu của nghệ thuật và thơ ca, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh xã hội công nghệ hiện đại, đồng thời dẫn ông đến với một nhận thức và tâm thế cần thiết: sáng tạo nghệ thuật là một hành động lựa chọn và chấp nhận. Thơ là hành động ưu tư về cuộc đời và chính nó. 

Ưu tư chính là gương mặt thơ Phan Đan. Nó là cái khí sắc thẩm mĩ vây phủ không gian thơ, là huyết mạch lưu chuyển dưới các câu chữ, là “vật liệu” tạo nên thứ ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu đặc thù.

Những giấc mơ - thơ của Phan Đan không từ chối hiện thực, nhưng đó là một hiện thực được cảm nhận và tái hiện bằng những trải nghiệm cá nhân đau đớn. Ấy là một đời sống trống rỗng, câm lặng, đen tối: Dài đằng đẵng như những ngày không cơm,/ Lang thang gốc cây cột đèn,/ Lang thang kinh thành 36 phố (bốn đoạn tuỳ bút); Chọc thủng không gian,/ Những cánh chim chết đuối/ Chiều câm lặng (chùm ba); Ai đói cùng tôi/ Mà vàng hoe con mắt?/ Ai khóc cùng tôi,/ Mà mưa rơi nặng hạt?/ Chiếc xe đạp/ Chạy lừng lững ngoài phố/ Một mình (nói một chút cho mình); người đi không có bóng/ người về không thấy nhà/ làm sao? Ai biết được?/ một chiều thu đang qua (những ghi chú trên tường phòng giam);… Trên nền bối cảnh hiện thực khắc nghiệt, ít nhiều mang tính tượng trưng hoá, là tình thế tồn tại bi kịch của người nghệ sĩ:

Người ta đòi hỏi quá nhiều ở thơ tôi

                   muốn tôi thổi kèn đồng

                             với hai lá phổi rách

Chẳng chịu nghe

                   tiếng vo ve

                             của con muỗi tí xíu

                                       cũng hay như một giai điệu

                                                                Beethoven

Chẳng chịu nghe

                   buổi trưa hoà tấu

                             của dàn ve mã não

Chẳng chịu nghe

                   tôi đọc thơ

                             bằng một giọng trầm

                                                       u uất

                   (những cánh hoa màu đen)

Hình tượng Em trong thơ Phan Đan khá đặc biệt. Ở hình tượng trữ tình này, ta nhận ra sự hội tụ của nhiều biểu tượng quen thuộc trong các mạch nguồn tôn giáo, văn hóa, văn học: Đức mẹ Maria trong Ki tô giáo, Đức Thánh Mẫu trong đời sống tâm linh Việt, hình ảnh Nàng Thơ, Nàng Nghệ thuật trong thi ca phương Đông và phương Tây… Hoá thân trong hoa, trong bức tranh trên tường, trong pho tượng Đức mẹ, trong những dòng thơ và trong chiếc bánh mì 225 gram theo khẩu phần khốn khó, trong cả đống bát đũa xoong chảo vây quanh cuộc đời tối ám nghèo nàn, Em là cội nguồn cảm hứng, chỗ dựa tinh thần, nguồn năng lượng sống và sáng tạo của nghệ sĩ. Chính vì vậy mà Anh phải yêu rất nhiều cô gái/ để được yêu em/… Đập vỡ cả hai mắt/ để nhìn em trong ánh sáng… Và: Nếu người ta khóc vì em/ anh sẽ cười/ Nhưng nếu em đòi lại cuộc đời anh/ anh sẽ trả. Em là giấc mơ, là niềm an ủi sâu sắc và lớn lao, bí mật. Trong những đớn đau vò xé, Em là nơi đầu tiên và cũng là chốn sau cùng anh tìm đến để nương gửi tâm hồn:

Em hãy đến chìa bàn tay

                    cho cây long não một lẵng thơm đầy tiếng

Và cho giấc mơ tối tăm

                      một nụ cười

                             (đêm khép cửa)

Là một nhà thơ, viết dường như là cách duy nhất để khẳng định bản thể sáng tạo. Và để sống, với tư cách trọn vẹn, đầy đủ, của một con người:

Anh cứ viết

          dù không có giấy

          dù không có đèn

                   viết vào đêm

                           vào lửa

                           vào dạ dày

                           vào em

Và:

 Em hãy mở mắt cho tay tôi

Mở mắt cho mắt tôi

Mở mắt cho thơ tôi

Như một lần tàn phá mới

                   (những cánh hoa màu đen)

Có thể hình dung thơ Phan Đan như một cuộc đối thoại miên viễn, xuyên qua không gian, thời gian, giữa Tôi và Em, giữa người nghệ sĩ và thi ca. Đấy là cuộc đối thoại với giấc mơ, với khát vọng. Nhưng cuộc đối thoại ấy, xét đến cùng, cũng chỉ là cuộc đối thoại với tâm tưởng. Thực chất, đấy là một cuộc độc thoại nội tâm. Rộng lớn đấy, mênh mông đấy, nhưng sao quá đỗi cô độc!

Trong một bài báo, Phan Đan viết: “Chúng ta tạo hình ký ức của mình theo khuôn mẫu của những ước vọng không thành, do đó, thay vì hoài niệm, chúng ta lại phóng chiếu cái gọi là ký ức của chúng ta vào tương lai, một tương lai lúc nào cũng mịt mờ và đầy bất trắc”[2]. Giấc mơ vừa là mục đích, là đối tượng đồng thời là cách thức, ngôn ngữ để ông kiến tạo thế giới thơ của mình. Như chính Phan Đan đã nói trong một bài thơ – Em là không gian gothic của tôi - đấy là một không gian trang nghiêm, tráng lệ, huyền bí, mang màu sắc tâm linh. Nó khiến người ta vừa xúc động vì sự cao cả, vừa khiến người ta run rẩy vì những dự cảm mịt mờ bí ẩn. Một thế giới thơ mở rộng, không từ chối bất kì ai nhưng đồng thời cũng đóng khép trước bất kì ai. Nó là lời tự sự từ mênh mông tới mênh mông. Nó không chờ đợi sự hồi ứng, hô đáp. Người bộ hành tâm linh này chỉ hướng vào bên trong, mải miết đi theo con đường của mình, chăm chú dõi theo bước chân mình. Độc giả có sự tự do gần như tuyệt đối khi bước vào thế giới thơ này. Nhưng đồng thời, anh ta sẽ có cảm giác hết sức cô độc. Cái mà anh ta nhận được dường như cũng chỉ là một hư ảnh, một tiếng vang xa xôi, một âm vọng mơ hồ trong toà tháp tinh thần trang nghiêm và hoang vắng.

Mở đầu tập thơ Phan Đan là tản mạn về thơ và xuyên suốt trong cả tập là rất nhiều bài bàn trực tiếp về thơ, ví dụ lời đề tựa cho một tập thơ, thi nhân 1, thi nhân 2, mười ba câu thơ tháng giêng, bài thơ đọc trong lễ sinh nhật của một thi sĩ, bốn đoạn thơ tháng Ba, thơ, gió thổi những câu thơ, vài mảnh vụn cho thơĐó là chưa kể đến việc hầu như bài thơ nào của ông cũng ít nhiều nhắc đến thơ. Thơ trở thành một thứ sinh quyển vây bọc thế giới của Phan Đan. Là cội nguồn của nỗi đau đớn, sự cô đơn, niềm hạnh phúc vô biên không thể chia sẻ. Sợi dây nối liền sự sống và cái chết. Nối liền cái hiện thực đời sống bên ngoài không thể dứt bỏ và cái hiện thực tâm linh bên trong với mỗi bước đi một khó khăn hơn.

Nhiều bài thơ của Phan Đan hiện lên như những cuộc độc thoại miên man kéo dài trong tâm tưởng: đêm khép cửa (20 trang); những cánh hoa màu đen (24 trang), em là không gian gothic của tôi (11 trang), ngày không dấu vết (10 trang)… Một số bài được cấu trúc theo hình thức âm nhạc (bản cantata của gió, etude 780, bản fantasia số 7…). Lời thơ cũng sử dụng khá nhiều các thuật ngữ âm nhạc (cantata, coda, etude, cello sonata, rhapsody, adagio, fantasia, hợp xướng, bè, đơn khúc, giọng mi thứ, giọng si giáng trưởng…). Tác giả chủ yếu sử dụng thể thơ tự do và thơ văn xuôi, phá bỏ vần, chú trọng nhịp điệu bên trong. Một số bài thơ văn xuôi thậm chí phá bỏ toàn bộ dấu câu, các dòng thơ đổ tràn trên trang giấy, để lại rất ít khoảng trắng, với sự mở đầu như thể ngẫu nhiên và kết thúc hết sức tình cờ, ví dụ: từ một hạt giống mà con chim đêm đánh rơi trong mùa di cư tình ái, Monologue I, Monologue II…). Phải chăng đây cũng là cách để nhà thơ hình tượng hoá về dòng chảy suy tư dạt dào không ngừng nghỉ trong tâm trí con người (ở đây, monologue có thể hiểu là độc thoại nội tâm)? Âm nhạc trong thơ Phan Đan không chỉ là phương tiện để giãi bày cảm xúc. Nó tạo nên một không gian đầy âm vang và sức ám gợi. Bản thân không gian âm nhạc ấy cũng là một biểu tượng nổi bật. Âm nhạc là con mắt thứ ba để dẫn ông vào cõi thơ – một thực tại siêu việt. Một không gian trang nghiêm, huyền bí, cổ xưa mà ít nhiều ta có thể thấy trong những dòng dưới đây của dreamy: 

Con thuyền không buồm không lái trôi đằm trong khối thuỷ tinh đen và mặt nước sáng loáng như lưỡi dao mang cho tôi ngập khoang những cánh hồng rụng ngào ngạt mùi của tan rã cùng một giấc mơ chưa mở mắt…

Cùng âm nhạc, hội hoạ cũng là một phương tiện và vật liệu khác dẫn lối vào thơ. Nó mở ra những dạng thức, chiều kích và khả thể tồn tại khác cho thơ – bằng màu sắc, đường nét, các vật liệu, công cụ như gỗ, lụa, sơn mài, chì than, bút sắt… Dĩ nhiên, chúng sẽ được tổng hợp, tái tạo lại qua ngôn ngữ và trí tưởng tượng, chẳng hạn những bức tranh úp mặt vào tường, hoa loa kèn tháng tư

Suy tư về các vấn đề của thời gian, lịch sử và đời sống, thơ Phan Đan hướng đến một cách viết giàu tính khái quát và tượng trưng. Bài thơ thương tiến tửu sau đây là một ví dụ.

Anh không thấy,

Mỗi bước chúng ta đi nhức nhối vết đinh hai ngàn năm trước

Nước mắt những Đức Phật vị lai ngày hôm nay

                                                lã chã trong bùn?

Hãy uống đi

Chén đắng của chúng ta đã có Jesus Christ thanh toán,

Câu thơ này là khoảng trắng giữa trang Apocalypse

 

Vũ trụ nở rồi tàn, nồi cơm chưa kịp chín,

Cơn đói của kẻ mất cuống nhau gào hoài vọng tử cung xưa,

Con rắn cắn đuôi mình trên dòng sông vô thuỷ,

Hãy uống ly bóng đêm cho sáng mắt con chim mù

Tên bài thơ là sự liên hệ trực tiếp với bài Tương tiến tửu của Lí Bạch. Tác giả cố ý sử dụng lại một số yếu tố diễn đạt hoặc cấu trúc tương tự bài thơ xưa (ví dụ: Quân bất kiến/ Anh không thấy; Tương tiến tửu/ Hãy uống đi…). Nhưng nếu Tương tiến tửu thể hiện lòng tự tin, sự hào sảng (Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng – Trời sinh ta tài ắt có dùng) và tinh thần lạc quan (Nhân sinh đắc ý tu tận hoan – Đời người đắc ý phải nên vui) thì thương tiến tửu, ngược lại, thể hiện nỗi trăn trở, ưu tư và cảm giác bất an trước nhiều vấn đề của thời gian, lịch sử và thân phận con người: Anh không thấy,/ Mỗi bước chúng ta đi nhức nhối vết đinh hai ngàn năm trước/ Nước mắt những Đức Phật vị lai ngày hôm nay/ lã chã trong bùn?... Hình ảnh "vết đinh hai ngàn năm trước" gợi liên hệ đến sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập giá, là ẩn dụ cho những đau khổ, mất mát và tội lỗi của nhân loại từ quá khứ. Nó cho thấy quá khứ vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến hiện tại, mỗi bước đi của chúng ta đều mang theo những vết thương lịch sử. Tương lai nhân loại, theo góc nhìn này, cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Khổ hai chỉ gồm ba dòng. Chúng vừa tồn tại trong sự liên đới, đồng thời có khả năng chuyển tải những thông điệp riêng. "Hãy uống đi" - lời mời gọi này mang ý nghĩa chấp nhận thực tế và tinh thần can đảm đối diện với những khó khăn của cuộc đời. Đau khổ, thử thách và cái chết -  đó là cây thập giá mà mỗi người đều phải vác trên vai của mình. Dẫu vậy, "Chén đắng của chúng ta đã có Jesus Christ thanh toán". Câu thơ thể hiện niềm tin vào sự cứu chuộc của Chúa Jesus, rằng những đau khổ của con người đã được Ngài gánh lấy. Nhưng đấy là niềm tin của một tín đồ. Là một nghệ sĩ, niềm tin của Phan Đan gửi vào trong sáng tạo, trong thơ: Câu thơ này là khoảng trắng giữa trang Apocalypse. Apocalypse (Khải Huyền) là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước trong Kinh Thánh, nói về sự tận thế. "Khoảng trắng" ở đây có thể hiểu là sự im lặng, khoảng lặng trước những biến cố lớn lao, hoặc là hy vọng le lói trong bóng tối. Thơ, với ông, phải chăng, chính là những “khoảng trắng” đầy huyền nhiệm?

Ba dòng đầu của khổ thơ cuối nhấn mạnh sự ngắn ngủi, vô thường của cuộc đời (Vũ trụ nở rồi tàn, nồi cơm chưa kịp chín), tình cảnh đau khổ, bơ vơ của những kẻ mất đi gốc rễ, căn tính, điểm tựa tinh thần trong đời sống. "Con rắn cắn đuôi mình trên dòng sông vô thuỷ" là biểu tượng cho chu kỳ bất tận của thời gian và sự thống nhất của vũ trụ. Nó cho thấy cuộc đời là một vòng lặp không có điểm dừng. Trên dòng chảy bất tận đó, đời người chỉ là một chớp mắt hư vô. Tuy nhiên, kết thúc bài thơ, ta gặp lại lời mời gọi: Hãy uống ly bóng đêm cho sáng mắt con chim mù. Không phải rượu mà là “chén đắng”, là “ly bóng đêm”. Không phải rượu mà là nỗi đau thân phận con người. Hãy uống, vì đấy là một lựa chọn không thể khác, khi con người bị sinh ra, nghĩa là bị đẩy xuống con tàu cuộc đời (nói theo cách của các triết gia hiện sinh). Lựa chọn ấy là một hành động chủ động trong một tình thế bị động. Và là một lựa chọn cần thiết. Hiện diện trong bài thơ, do đó, là một tinh thần và thái độ hiện sinh bình thản và mạnh mẽ dẫu vẫn có thể nhận ra sắc thái bi đát ẩn chứa.                                                 

Bài thơ sử dụng khá nhiều các điển tích, hình tượng, ý tưởng quen thuộc trong các tôn giáo, các triết thuyết và nghệ thuật, thơ ca, chẳng hạn hình tượng Chúa Jesus Christ, chén đắng, Sách Khải Huyền trong Ki tô giáo; hình tượng Đức Phật, quan điểm vũ trụ tuần hoàn (con rắn cắn đuôi mình - Ouroboros), cuộc sống vô thường (điển tích Hoàng lương mộng) trong Phật giáo, Lão giáo; bài thơ Tương tiến tửu trong thơ cổ điển Trung Hoa.... Một mặt, chúng được dùng với tư cách là vật liệu và kĩ thuật để tổ chức bài thơ thương tiến tửu. Với vai trò là các mắt xích nằm trong hệ thống liên văn bản, chúng liên kết và hỗ trợ nhau trong việc tạo nên chiều sâu nội dung triết lí về thời gian, lịch sử và đời sống con người, điều vốn không được nói tới một cách rõ ràng và trực tiếp trên bề mặt văn bản. Mặt khác, sự hiện diện của các liên văn bản này (đặc biệt là bài thơ Tương tiến tửu của Lí Bạch) mang ý nghĩa như một sự đối chiếu với văn bản mới được tạo thành – thương tiến tửu, từ đó hình thành nên sự phản biện, đối thoại cần thiết giữa người nay với người xưa. Giữa người viết với người đọc. Và quan trọng hơn, là để người viết thuyết phục chính mình. Ở đây, người viết không phát ngôn với tư cách kẻ ngoại cuộc, một triết gia đứng bên dòng chảy của thời gian và cuộc đời để khái quát, triết lí, mà phát ngôn với tư cách kẻ trong cuộc, kẻ đã nghiệm sinh tận cùng sự khắc bạc và hư vô của nó. Tôi không rõ khi đặt tên bài thơ là thương tiến tửu, Phan Đan đơn thuần chỉ lặp lại tên bài thơ Lí Bạch (bởi từ “tương” trong bài thơ của Lí Bạch cũng có thể đọc là “thương”, dù thường được phiên âm là “tương”) hay ông cố ý dùng từ “thương” thay cho “tương”? Tôi muốn nghĩ là ông cố ý, điều này cho phép có thêm một vài suy đoán. Như đã nói trên, nếu Tương tiến tửu là lời mời rượu thì thương tiến tửu không phải là lời mời rượu mà lời mời chấp nhận “chén đắng”, “ly bóng đêm”, chén đau thương của thân phận con người. Phải chăng, cái tên của bài thơ – thương tiến tửu còn gợi nên một trạng thái tinh thần đối lập với trạng thái tự tin, hào sảng, ngạo nghễ trong bài thơ xưa của Lí Bạch – nỗi buồn đau, sự xót thương thân phận? Phải chăng nó cũng có thể gợi liên tưởng về Sự Thương khó của Chúa Jesus Christ và cảm nhận bi đát về đời sống cá nhân – sống là một sự tuẫn nạn?... Đây là một kết cấu có khả năng gợi ra vô số ý nghĩa khác nhau.  

Tựa một pháo đài cô ngạo trên vách đá, quay lưng ra biển, thơ Phan Đan chứa đựng những bí mật nội tâm sừng sững u uẩn. Nhiều bài thơ của ông thể hiện sự giao hoà và kết nối đậm đặc giữa các vật liệu ngôn từ, hình ảnh, đường nét, âm thanh, giai điệu… Chúng "âm thầm trổ mộng" trong mê cung nội tâm, dưới lớp ẩn ngữ của vô thức và trực giác, đôi khi hé lộ qua những ô cửa hẹp, những bài thơ cô nén bởi các biểu tượng, những hình ảnh phi thực và vô số liên văn bản giằng néo vào nhau. Thơ ông, đôi khi trực diện như một vết bỏng. Thường xuyên hơn - siêu thực và siêu hình, như "con rắn cắn đuôi mình trên dòng sông vô thủy".

Tinh thần, cảm hứng thơ Phan Đan khá nhất quán, ngay cả những bài viết từ những năm 70 của thế kỉ trước. Những tìm tòi của ông, xét về mặt quan điểm thẩm mĩ, gần gũi với những tìm tòi của tác giả thuộc nhóm Dòng chữ (theo cách gọi của Hoàng Hưng) như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Đó là những tìm tòi theo hướng đề cao hình thức thẩm mĩ của thơ, đặc biệt phương diện sáng tạo ngôn ngữ. Tuy vậy, nếu Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng thường tập trung vào việc “làm chữ” – tập trung vào đơn vị Chữ, với những biến tấu âm/ chữ để tạo ra những khả năng phát nghĩa mới – thì Phan Đan nghiêng về kiến tạo không gian và hình ảnh. Ngôn từ của ông khá giản dị, nghiêng về tự sự, giống như lời độc thoại, thường viết bằng thể thơ tự do hoặc thơ văn xuôi. Mạch thơ không dàn trải theo kiểu phản ánh hiện thực xã hội (thường thấy ở nhiều nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ) mà dõi sâu vào vi mạch tâm thức, để trên đó, dựng nên những trùng trùng hư ảnh, những chất vấn, xao xuyến, trầm tư không nguôi về ý nghĩa của đời sống, thân phận của con người, giá trị của cái đẹp, thi ca, âm nhạc… Có thể nói, hiện thực bên ngoài hay bên trong, với Phan Đan, đều khởi thuỷ từ thơ. Suy nghiệm về thơ cũng là suy nghiệm về đời sống, con người và vô số các hình thái tồn tại tinh thần như tôn giáo, triết học, nghệ thuật. Trầm tư thơ là cuộn chỉ Ariadne dẫn ông vào mê cung thi ca và giúp ông kiến tạo không gian thẩm mĩ riêng. 

Tựu trung, có thể nói, với Phan Đan, thơ là cuộc đối thoại không ngừng của con người với chính mình. Thế nên, làm thơ là hành trình tìm kiếm nội tâm, một hành trình dài dặc với không ít hồ nghi, bất an, cô độc, đau đớn. Nhưng đó cũng là hành trình tôi luyện cá nhân, để cái tôi tinh thần thêm can đảm, mãnh liệt. Một khi tìm thấy chính mình, biết chấp nhận và làm bạn với chính mình, con người sẽ tìm thấy sự thanh thản nội tại. Muốn vậy, thơ có thể (và cần) mở rộng các khả thể tồn tại chứ không chỉ/ không nên tự giới hạn trên hình thức ngôn ngữ truyền thống. Sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa và triết học, tôn giáo, tâm linh, công nghệ… sẽ giúp thơ mở rộng những hình thức/ hình thái tồn tại mới mẻ, khác biệt. Nhưng dù thế nào đi nữa, thơ bao giờ cũng là một tiếng nói tinh thần đầy bí ẩn. Thậm chí có thể xem thơ là sự mặc khải. Nó là sự tỏ lộ một thực tại siêu việt, thần thánh, bí mật. Đó là thực tại của cảm xúc, trực giác, tâm linh, dồn tụ lại trong một khoảnh khắc ngôn từ, hình ảnh. Thoát thai từ rung động của thi nhân, bừng nở trong hình hài của bài thơ, chạm vào rung động của độc giả. Đó là một siêu thực tại

Nhưng sáng tạo như một hành động dò tìm nội tâm và đi sâu vào tiếng nói của tâm linh cũng có tính hai mặt. Một mặt, nó giúp nhà thơ tôi luyện bản ngã nhưng mặt khác, tạo nên sự khép kín của thơ trước độc giả, và khi đó, như chính Phan Đan đã nói: “Một thông điệp thi ca đôi khi chỉ dành cho một số cá nhân thật ít ỏi, nếu không phải là chỉ dành cho chính tác giả của nó”. Thêm nữa, nguy cơ mà thơ phải đối mặt không chỉ nằm ở ngôn ngữ, thứ vật liệu đặc thù mà nó sử dụng (đã bộc lộ sự yếu thế rõ rệt so với hệ thống tín hiệu phi ngôn ngữ - trực tiếp qua các kênh nghe - nhìn), mà còn nằm ở tâm thế và nhu cầu tiếp nhận của độc giả đương đại.

Những suy tư về thơ của Phan Đan lại khiến tôi nghĩ đến một câu thơ đặc biệt ông đã viết trong thương tiến tửu - Câu thơ này là khoảng trắng giữa trang Apocalypse. Apocalypse là một từ tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "apokalypsis", có nghĩa là "sự mặc khải". Trong tôn giáo, Apocalypse thường được dùng để chỉ ngày tận thế, ngày mà thế giới sẽ kết thúc và con người sẽ bị phán xét. Trong Kinh Thánh, “Apocalypse” được dùng để chỉ Sách Khải Huyền, mô tả các sự kiện cuối cùng và ngày phán xét. Cũng có thể hiểu Apocalypse như một thực tại siêu việt, vượt ra ngoài khả năng tri giác, cảm biết của con người, con người chỉ có thể nhận biết khi được một đấng siêu nhiên nào đó tỏ lộ. Một khoảng lặng mơ hồ, một rung cảm bí ẩn, một khải thị thiêng liêng.

Thơ đang đứng trước quá nhiều nguy cơ và thách thức. Công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến việc viết và đọc thơ trở thành một công nghệ máy móc. Cái gì khiến cho thơ có thể tránh được nguy cơ robot hóa và sự tự hủy diệt? Có lẽ là khả năng đem lại một khoảng lặng rung động. Có lẽ là khả năng đánh thức một rung cảm bí ẩn. Hoặc khả năng khiến con người mỗi khi viết/ đọc thơ là một lần được đối diện với xúc cảm, với nhân tính, với tiếng nói của tâm hồn. Nhưng sức mạnh này, dẫu có thực, cũng hết sức mong manh, nhất là trong bối cảnh công nghệ số, khi chỉ trong 1-2 giây, máy tính sẽ cho ra đồng loạt những “bài thơ” hoàn toàn đúng theo quy tắc, mẹo luật. Câu thơ này là khoảng trắng giữa trang Apocalypse – phải chăng đây là dự báo mang tính tiên tri, về bản mệnh, giá trị và cả những nguy cơ to lớn mà thơ đang phải đối mặt?

Dẫu vậy, sau tất cả, Phan Đan vẫn lựa chọn tin vào sức mạnh không thể hủy diệt của thơ ca, của nghệ thuật. Lựa chọn và chấp nhận, một cách bình thản. Có lẽ, bằng những trải nghiệm cá nhân riêng tư, nhà thơ nhận ra bản mệnh của thơ chính là tiếng nói cá nhân, tận cùng cá nhân. Trong cô đơn và tuyệt vọng, thơ chính là người bạn đường khiêm cung nhẫn nại, là tiếng kinh cầu của linh hồn, là sự giải thoát huyền nhiệm. Một khi nỗi đau và nước mắt nhân loại còn tồn tại thì thơ còn tồn tại. Đó là lí do để ông viết những câu thơ này:   

Trên vùng trí nhớ bỏ hoang, tôi viết những dòng thơ trầm mặc như đá, tối tăm như bùn,

Thế kỉ hai mươi chung kết trận tranh tài giữa linh hồn và tiện nghi máy móc,

Bằng bàn tay cô đơn bất lực, tôi bỏ phiếu không phải cho nụ cười mà cho tiếng khóc,

Những mỗi ban mai, mặt trời tung bó hoa rừng rực và cuộc đời sẽ phục sinh từ nước mắt, điều ấy tôi tin.

(Trên vùng trí nhớ bỏ hoang)

Uống “ly bóng tối” của cuộc đời khắc nghiệt và chọn tin vào sự phục sinh của thơ ca và cuộc đời - từ “tiếng khóc” và “nước mắt” -  hẳn nhiên, đó là một niềm tin đầy can đảm. Đó là một Phan Đan, như tôi thấy, trong thơ.

                                                                         Vinh, 29/1/2025

                                                      (Mồng Một Tết Âm Lịch, 2025)

                                                                                 L.H.Q.



[1] Phan Đan (2023), Thơ Phan Đan, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Các trích dẫn thơ Phan Đan đều lấy trong văn bản này.

[2] Phan Đan, “Một vài kỉ niệm với anh Đặng Đình Hưng”, http://www.lethieunhon.vn/2021/01/ang-inh-hung-trong-ky-uc-phan-an.html, 04:57 23/01/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét