BI KỊCH
NHỎ CỦA LÊ MINH KHUÊ,
CÂU HỎI VỀ CÁI ÁC
Lê
Hồ Quang
1. Bi kịch nhỏ (in trong tập truyện ngắn cùng tên vào năm 1993 [1]) thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và lối viết của Lê Minh Khuê giai đoạn hậu chiến và Đổi mới. Lần đầu đọc truyện ngắn này, tôi đã viết: “Từ góc nhìn của người cháu, một nữ phóng viên, về người bác ruột của mình, vốn là một cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền nay đã nghỉ hưu, tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn sự duy ý chí trong quản lí xã hội, sự trả thù cá nhân tàn độc nấp sau những chiêu bài chính trị, sự trớ trêu của đời sống hay là sự trả thù tàn khốc của số phận,... Trên thực tế, đấy không chỉ là bi kịch của cá nhân mà còn là bi kịch của xã hội và lịch sử. Con người đối mặt với số phận kì thực là đối mặt với tội ác và sự tàn độc của chính mình”[2]. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tôi nhận ra Bi kịch nhỏ không chỉ nói về luật nhân quả hay nỗi cảm thương về sự trớ trêu của số phận, dù đây rõ ràng là những yếu tố tác động mạnh đến nhận thức và xúc cảm của độc giả. Hơn thế, Bi kịch nhỏ đã trình bày hiện thực đời sống ấy như một trạng thái hiện sinh có tính phổ quát, ở đó, cái ác, hoặc nói cách khác – sự dữ, bạo lực, nỗi đau khổ – chi phối tất thảy. Xuyên qua hiện thực khắc nghiệt được tái hiện, Bi kịch nhỏ đặt ra những câu hỏi khá trực diện về cái ác và qua đó, thúc đẩy những suy nghĩ “nhiều hơn và khác đi” về nan đề này.