Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Nhịp điệu của sức bền

 

NHỊP ĐIỆU CỦA SỨC BỀN

(Về tập phê bình, tiểu luận Nhịp điệu vẽ lối đi của Mai Văn Phấn,

Nxb Hội Nhà văn, 2024)

                                                                 Lê Hồ Quang



1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác –  khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại

 

VẤN ĐỀ DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

                                                                                               

Lê Hồ Quang

1. Thể loại là khái niệm chỉ quy luật loại hình của văn bản (VB), trong đó, mỗi loại nội dung tương ứng với một loại hình thức, tạo nên cấu trúc chỉnh thể của nó. Hình thức thể loại là kết quả của một phương thức chiếm lĩnh đời sống và mối quan hệ giao tiếp, nhận thức mang tính đặc thù giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mĩ. Đến lượt mình, mỗi thể loại văn học lại tạo nên những kênh giao tiếp và nguyên tắc, phương tiện, truyền thống giao tiếp riêng với độc giả – chủ thể tiếp nhận. Thể loại thể hiện các quy luật phản ánh đời sống và tổ chức tác phẩm một cách tương đối bền vững, ổn định, đồng thời, với tư cách một hiện tượng lịch sử, nó cũng vận động và đổi mới. Trong công trình Lí luận văn học, R. Wellek và A. Warren nhấn mạnh: “Các thể loại có được xây dựng một lần và mãi mãi hay không? Rõ ràng là không bởi vì những tác phẩm mới mở rộng những ranh giới thể loại”[1]. M. Bakhtin cũng khẳng định: “Xét về thực chất, thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Ở thể loại bao giờ cũng bảo lưu những yếu tố cổ sơ bất tử. Thực ra, cái cổ sơ này được bảo lưu ở thể loại chỉ nhờ vào sự đổi mới thường xuyên, có thể nói là nhờ được hiện đại hoá. Thể loại bao giờ cũng vừa là nó, vừa không phải là nó, nó bao giờ cũng đồng thời vừa cũ kĩ vừa mới mẻ. Thể loại được tái sinh, được đổi mới qua từng giai đoạn phát triển văn học và qua từng tác phẩm cá biệt của thể loại này”[2]. Tiếp cận VB từ góc độ thể loại, vì vậy, không chỉ giúp lí giải VB một cách khoa học, có căn cứ mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề của lí thuyết và thực tiễn.

2. Trong nhà trường Việt Nam, nguyên tắc dạy học đọc hiểu VB theo đặc trưng thể loại đã được chính thức đề xuất từ Chương trình Ngữ văn (CTNV) 2006[3]. Dù có định hướng rất đúng song việc dạy học đọc hiểu VB ở nhà trường phổ thông theo nguyên tắc này vẫn chưa có đủ điều kiện thực hiện một cách triệt để, bởi hệ thống VB trong chương trình và SGK vẫn được sắp xếp theo tiến trình lịch sử. Đành rằng những VB cùng thể loại thuộc một thời kì văn học nào đó đã được chú ý đặt thành cụm, nhưng điều đó thực sự không có nhiều ý nghĩa, không tạo được dấu ấn về một kiểu tư duy khác đối với việc tổ chức hoạt động đọc hiểu VB cho HS. Đến CTNV 2018, nguyên tắc dạy học đọc hiểu VB theo đặc trưng thể loại vẫn tiếp tục được nhắc đến và lần này chắc sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn, khi chương trình nêu định hướng phải tích hợp chặt chẽ việc hình thành kiến thức về thể loại, bao gồm văn bản văn học (VBVH), văn bản nghị luận (VBNL), văn bản thông tin (VBTT), với việc triển khai các hoạt động đọc viết, nói và nghe. Trong phần kiểm tra, đánh giá kĩ năng đọc hiểu, CTNV 2018 cũng yêu cầu HS phải biết đánh giá VB về phương thức thể hiện, đặc biệt, qua đọc hiểu, phải xác định được rõ “kiểu VB, thể loại và ngôn ngữ sử dụng”[4].

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Quan niệm về văn bản trong môn Ngữ văn

          

        QUAN NIỆM VỀ VĂN BẢN TRONG MÔN NGỮ VĂN

                                                                                                                                                                                                                                   Lê Hồ Quang

1. Thuật ngữ văn bản (tiếng Anh: text; tiếng Pháp: texte) vốn có quan hệ nghĩa với động từ “texere” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “đan, dệt”[1]. Xuất phát từ nguồn gốc này, văn bản (VB) thường được xem như một cấu trúc được “đan dệt” bởi nhiều yếu tố ngôn ngữ và kí hiệu, theo logic nội dung, hình thức và mục đích giao tiếp nhất định.   

Có nhiều quan niệm và định nghĩa về VB. Từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản, VB được hiểu là đơn vị cơ bản của lời nói và ngôn ngữ, “thể hiện một phát ngôn hoàn chỉnh”[2]. VB bao gồm cấu trúc hình thức và cấu trúc nghĩa, có đề tài (hoặc chủ đề), biểu đạt chủ yếu bằng kênh ngôn ngữ, ở cả hai dạng nói và viết[3]. Nhìn chung, VB có năm đặc trưng thực tiễn, đó là: 1) Mục đích, chủ định của người nói; 2) Đề tài – chủ đề xác định; 3) Mạch lạc và liên kết; 4) Gồm nhiều câu – phát ngôn nối tiếp; 5) Có yếu tố định biên (giới hạn hai đầu)[4]

Từ góc độ của nghiên cứu văn học, VB, cụ thể là văn bản văn học (VBVH), được quan niệm là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có cấu trúc chỉnh thể bao gồm các lớp ngôn từ, hình tượng và hàm nghĩa. Theo một số lí thuyết nghiên cứu văn học hiện đại như Ký hiệu học (Semiotics), Thông diễn học (Hermeneutics), Thuyết tiếp nhận (Theory of reception),... văn bản (text) được phân biệt với tác phẩm (work) dựa trên mối quan hệ với chủ thể tiếp nhận. Quá trình “VB trở thành tác phẩm” phải có sự tham gia của chủ thể tiếp nhận. Đó là quá trình độc giả đọc và “cụ thể hóa VB” (thuật ngữ của Roman Ingarden) theo những “quy ước ngôn ngữ” và “quy ước giá trị”[5]. Điều này đem lại những nhận thức mới về vấn đề tiếp nhận VB và vai trò của người đọc, đặc biệt là người đọc – HS trong nhà trường phổ thông. 

Từ góc độ của lí thuyết giao tiếp và diễn ngôn, VB được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý ở mục đích giao tiếp và nhân tố văn hóa. R. Barthes xem xét VB trong tư cách “diễn ngôn”, tức “là một đoạn lời nói hữu tận bất kì, tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại (đoạn lời này) gắn bó với những nhân tố văn hóa khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ”[6]. Từ đây, VB sẽ được xem xét, nghiên cứu như một quá trình hoặc kết quả của hành động giao tiếp. VB trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không chỉ dừng lại ở phương thức biểu đạt thuần ngôn ngữ (VB nói và viết), mà còn là VB đa phương thức, sử dụng các kênh biểu đạt phi ngôn ngữ (hình ảnh, âm thanh, phương tiện công nghệ v.v.).