Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Phố ta - Lưu Quang Vũ

 

 BÀI THƠ VỀ NHỮNG CÂY TÁO NỞ HOA

                                                                             Lê Hồ Quang

PHỐ TA

Lưu Quang Vũ

Phố của ta
Những cây táo nở hoa
Mùa thu đấy
Thân cây đang tróc vỏ
Con đường lát đá
Nghiêng nghiêng trong sương chiều.

 

Năm nay cà chua chín sớm
Trên quầy hàng đỏ hồng
Chị thợ may đi 
lấy chồng
Chị thợ may goá bụa
Năm nay thôi mặc đồ đen.

 

Bác đưa thư, có thư ai đấy?
Bác đưa thư kéo chuông
Ti-gôn hoa nhỏ
Rụng đầy trước hiên.

 

Riêng bác thợ mộc già buồn bã
Thở 
khói thuốc lên trời
Anh thợ điện trên mái nhà mắc dây
Bà giáo 
về hưu ngồi dịch sách
Dạy cậu con tiếng Pháp
Suốt ngày chào: bông-giua

 

Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa
Trên cành thánh thót
Lũ trẻ lên gác thượng
Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng.

 

Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu 
cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi. [1]

Nằm trong tập thơ đầu tay Hương cây - Bếp lửa (1968, in chung với Bằng Việt), Phố ta cho thấy sự tinh tế và nồng nàn của hồn thơ Lưu Quang Vũ. Đấy là phẩm chất thơ sẽ đi cùng ông mãi về sau, trong những sáng tác ngày càng mở rộng cả về cảm hứng lẫn thi pháp.   

Phố ta đang vào thu. Ấy là mùa của sự sống đang lặng lẽ chuyển động, nảy nở. Ấy là mùa của những cây táo nở hoa/ thân cây đang tróc vỏ/ những con đường lát đá/ nghiêng nghiêng trong sương chiều… Mùi thơm ngọt của hoa táo, vị ngai ngái của vỏ cây, cái nghiêng nghiêng của con đường trong sương đánh thức những cảm giác vừa thanh sạch vừa nồng nàn, vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa tươi sáng vừa mơ hồ bí ẩn. Những cảm giác như thể gợi ra từ những bức tranh vẽ thiên nhiên của Claude Monet.

Hãy chú ý cách tác giả dùng đại từ nhân xưng để mô tả người trong phố. Đấy là cách xưng hô giữa những người thân gần: Chị thợ may góa chồng; bác đưa thư kéo chuông, bác thợ mộc già buồn bã; anh thợ điện trên mái nhà mắc dây; bà giáo về hưu ngồi dịch sách; Lũ trẻ trên gác thượng…  Cảnh phố và người phố hiện lên sinh động và gần gũi. “Phố của ta” đầy màu sắc (những cây táo nở hoa, cà chua đỏ hồng trên quầy hàng, sự thay đổi trang phục của chị thợ may góa bụa…); âm thanh (bác đưa thư kéo chuông, bà giáo dạy con tiếng Pháp, tiếng giọt nước sa/ trên cành thánh thót; tiếng lũ trẻ chơi đùa trên gác thượng…); mùi vị (mùi hoa táo, mùi vỏ cây, cả mùi sương chiều, mùi khói thuốc của bác thợ mộc già buồn bã…). Con phố ấy đẹp và đầy sức sống ngay cả khi đã trải qua những nỗi buồn riêng tây: Chị thợ may đi lấy chồng/ chị thợ may góa bụa/ Năm nay thôi mặc đồ đen…

Tất cả những chi tiết, hình ảnh mô tả trên đều nhằm mục đích để nhân vật trữ tình xác định con phố đặc biệt của anh ta, đó là phố ta/ phố của ta/ phố nghèo của ta. Nghèo mà đẹp. Và thi vị. Đó là tài sản tinh thần thuộc sở hữu riêng của Anh và Em.

Hãy chú ý cụm từ phố ta/ phố của ta thường xuất hiện trong phát ngôn của nhân vật trữ tình. Đây là một dấu hiệu thi pháp quen thuộc của thơ kháng chiến - nhân vật trữ tình thường phát ngôn với tư cách Ta/ Chúng ta, nghĩa là tư cách cộng đồng, tập thể (chẳng hạn trong thơ Nguyễn Đình Thi: Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng xanh mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa - Đất nước…) Nhưng trong Phố ta, những rung động, xúc cảm tinh tế, nồng nàn về tình yêu, tình đời của chủ thể đã “chuyển hóa” giọng điệu sử thi của thời đại thành giọng điệu trữ tình cá nhân đầy thiết tha, mê đắm.

Hình ảnh Em được nhắc đến một cách đặc biệt, trong những lời lẽ đầy chở che, âu yếm và dịu dàng:

Em chờ anh trước cổng

Con chim sẻ của anh

 Con chim sẻ tóc xù

 Con chim sẻ của phố ta

Đừng buồn nữa nhá

 Bác thợ mộc nói sai rồi.

Ta thực sự không biết “bác thợ mộc” đã nói gì, cũng không biết vì sao Em lại buồn. Dẫu vậy, ta hoàn toàn có thể chia sẻ với cái nhìn, giọng điệu tâm tình tin tưởng của nhân vật trữ tình về cuộc sống:

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.

Lí lẽ của nhân vật trữ tình, nếu nhìn về logic, đúng là… phi logic. Chẳng có mối liên hệ tất yếu nào giữa việc cuộc đời không thể xấu xa vì “cây táo nở hoa” và “rãnh nước trong veo” cả! Thế nhưng ta vẫn bị thuyết phục. Đúng hơn, ta muốn bị thuyết phục. Bởi cuộc đời đẹp quá, trong sạch quá, tươi tắn quá. Cái nhìn thấm đẫm màu sắc lạc quan ấy chỉ có thể có khi người ta yêu và tin tưởng. “Cây táo nở hoa”“rãnh nước trong veo” là sự chiếu ứng của một tâm hồn tuổi trẻ “nở hoa” và “trong veo”. Đấy là cái nhìn và cách nói của những người trẻ tuổi, đang say đắm yêu nhau và yêu đời.

Có thể mục đích của chủ thể khi viết Phố ta là để thuyết phục Em, “con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù” vượt qua nỗi buồn và cùng nhau nhìn về hướng tốt đẹp của tương lai. Nhưng ấn tượng kết đọng không phải là tính chặt chẽ của lập luận, mà là cảm xúc ngọt ngào, trong trẻo và niềm tin tưởng vào cuộc sống của nhân vật trữ tình.

Lưu Quang Vũ viết rất tự nhiên. Dường như tất cả những gì ông nhìn thấy, cảm thấy đều có thể vào thơ, thành thơ. Cảm quan của ông đặc biệt nhạy bén với “ngôn ngữ” của màu sắc, âm thanh, hương vị. Những chi tiết đời thường bình dị, vào thơ ông, có vẻ đẹp và sự duyên dáng riêng, chẳng hạn: Ti - gôn hoa nhỏ/ Rụng đầy trước hiên. Đặc biệt, với Phố ta, ông đã tìm được một giọng điệu hết sức phù hợp với đối tượng mô tả, trữ tình. Đấy là giọng điệu tâm tình trìu mến. Bài thơ chia làm sáu đoạn. Đoạn thơ nào cũng kết thúc bằng thanh bằng. Riêng đoạn cuối, thanh bằng cuối câu chiếm tỉ lệ áp đảo so với thanh trắc (8/2). Điệp cũng được sử dụng khá phổ biến, ví dụ, điệp từ ngữ: Phố ta/ phố của ta; Phố của ta/ Phố nghèo của ta; điệp hình ảnh: Con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù/ Con chim sẻ của phố ta… Cách phối thanh, ngắt nhịp và sử dụng điệp tạo nên nhạc tính đặc biệt lôi cuốn của bài thơ. Đồng thời, chúng góp phần nhấn mạnh thông điệp đầy tin yêu về con người và cuộc đời.

Quả thực, chỉ với con mắt và trái tim trẻ trung, người ta mới có khả năng phát hiện ra nhiều vẻ đẹp đến thế trong đời sống xung quanh. Viết về phố, về Em, về tình yêu lứa đôi, Phố ta đồng thời cũng tự trình bày một cái nhìn trữ tình đầy lạc quan. Nên nhớ, giai đoạn từ sau 1970, trong phần lớn sáng tác, thơ Lưu Quang Vũ thấm đẫm tính hiện thực và cảm giác bi quan, chua chát. Dẫu vậy, tình yêu đối với cuộc đời, con người dường như chưa bao giờ tắt trong ông, ngay cả trong những ngày tháng cùng khổ. Tình yêu với cuộc đời, con người, niềm tin vào những giá trị lí tưởng đã tạo nên phẩm tính lãng mạn, bay bổng và “mạch sống” đắm đuối, mãnh liệt trong thơ ông:

Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

Thơ tôi là mây trắng của đời tôi

(Mây trắng của đời tôi)

Trong một bài thơ khác, ông viết:

Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui

Là suối mát lòng tôi gửi bạn

Một cuộc đời - một bài ca duy nhất

Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi

(Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn)

Phố ta cho thấy những cảm xúc và niềm tin tươi trẻ, chân thật, dẫu không phải không có chút thơ ngây, của một trái tim thi sĩ. Đó có lẽ là lý do mà bài thơ này (và nhiều sáng tác khác của Lưu Quang Vũ như Vườn trong phố, Mắt của trời xanh, Chiều…) được nhiều độc giả trẻ tuổi nồng nhiệt chia sẻ. Tuy nhiên, độc giả của Phố ta đâu chỉ là những người trẻ tuổi? Bài thơ đáp ứng một nhu cầu tinh thần có thực ở nhiều độc giả, đó là được sống lại những cảm xúc và niềm tin lãng mạn, bất chấp thời gian và sự khắc nghiệt của đời sống. Nó cho họ thấy lại chính mình, trong những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời, đầy lòng tin yêu và khao khát. Nỗi xúc động trước vẻ đẹp trong trẻo của bài thơ thực chất là nỗi xúc động trước sự nhạy cảm của chính tâm hồn mình. Trong cỗi cằn chai đá, mầm hy vọng vẫn còn đâu đó, chỉ cần được nhắc khẽ là thức dậy, như thể mùa thu về, những cây táo nở hoa

Với vẻ tươi mát của “vườn trong phố”, những mối quan hệ xóm giềng ấm áp, gần gũi, những mối tình thơ ngây dịu dàng nảy nở trong “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó[2], Phố ta, giống như những bức tranh về Hà Nội xưa của họa sĩ Bùi Xuân Phái, bảo lưu vẻ đẹp đời sống đã thuộc về quá vãng mà vẫn luôn luôn hiện tại, luôn thuộc về hiện tại. Đó là “giấc mơ tôi vẫn thầm mong[3] của biết bao người.

Phố ta đã đánh thức trong độc giả những xúc cảm hồn nhiên, tươi sáng. Nhưng hơn thế, nó nhắc những độc giả buồn bã mệt mỏi điều gì thực sự có ý nghĩa với anh ta trong đời - đúng hơn, điều gì làm cho cuộc đời anh ta có ý nghĩa - một niềm tin, một niềm vui sống!

                                                                              Vinh, 28/3/2021



[1]  Lưu Quang Vũ (2010), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn.

 

[2]  Lời bài hát Hà Nội và tôi của Lê Vinh

[3] Lời bài hát  của Lê Vinh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét