Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Quan niệm về văn bản trong môn Ngữ văn

 

QUAN NIỆM VỀ VĂN BẢN TRONG MÔN NGỮ VĂN

 

                                Lê Hồ Quang

 Thuật ngữ văn bản được dịch từ tiếng Anh là text (hoặc texte trong tiếng Pháp), cả hai từ này đều có quan hệ nghĩa với động từ “texere” của tiếng Latinh, có nghĩa là “đan, dệt” [1]. Xuất phát từ nguồn gốc này, văn bản thường được xem như một cấu trúc được “đan dệt” bởi nhiều yếu tố ngôn ngữ và kí hiệu, theo logic và mục đích nhất định.   

Tuy nhiên, từ những góc độ và quan điểm tiếp cận khác nhau, cách hiểu về khái niệm văn bản không hoàn toàn thống nhất. Từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản, văn bản được hiểu là đơn vị cơ bản của lời nói và ngôn ngữ, “thể hiện một phát ngôn hoàn chỉnh” [2]. Văn bản bao gồm cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nghĩa, có đề tài (hoặc chủ đề), biểu đạt chủ yếu bằng kênh ngôn ngữ, ở cả hai dạng nói và viết [3]. Nhìn chung, văn bản có năm đặc trưng thực tiễn, đó là 1) Mục đích, chủ định của người nói; 2) Đề tài - chủ đề xác định; 3) Mạch lạc và liên kết; 4) Gồm nhiều câu - phát ngôn nối tiếp; 5) Có yếu tố định biên (giới hạn hai đầu) [4]. 

Từ góc độ của lí thuyết giao tiếp và diễn ngôn, văn bản được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý ở mục đích giao tiếp và nhân tố văn hóa. R. Bathes xem xét văn bản trong tư cách “diễn ngôn”, tức “là một đoạn lời nói hữu tận bất kì, tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại (đoạn lời này) gắn bó với những nhân tố văn hóa khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ”[5]. Từ đây, văn bản sẽ được xem xét, nghiên cứu như một quá trình hoặc kết quả của hành động giao tiếp. Văn bản trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không chỉ dừng lại ở phương thức biểu đạt ngôn ngữ (văn bản nói và viết), mà còn là văn bản đa phương thức, sử dụng các kênh biểu đạt phi ngôn ngữ (hình ảnh, âm thanh, phương tiện công nghệ…).

Từ góc độ của lí thuyết văn học, văn bản (cụ thể là văn bản văn học), được quan niệm là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có cấu trúc chỉnh thể bao gồm các lớp yếu tố ngôn từ, hình tượng và hàm nghĩa cấu thành. Theo một số lí thuyết nghiên cứu văn học hiện đại như Ký hiệu học (Semiotics), Thông diễn học (Hermeneutics), Thuyết tiếp nhận (Theory of reception)…, văn bản (text) được phân biệt với tác phẩm (work) dựa trên mối quan hệ với chủ thể tiếp nhận. Quá trình “văn bản trở thành tác phẩm” phải có sự tham gia của chủ thể tiếp nhận. Đó là quá trình độc giả đọc và “cụ thể hóa văn bản” (Roman Ingarden) theo những “quy ước ngôn ngữ” và “quy ước giá trị” [6]. Điều này buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức về vấn đề tiếp nhận của người đọc trong nhà trường và quá trình “biến văn bản thành tác phẩm”, đặc biệt ở người đọc là HS, trong hoạt động dạy học Ngữ văn. 


 Trong nhà trường phổ thông Việt Nam trước đây, văn bản được quan niệm như sau: “Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, nói phải nói thành lời, viết phải viết thành bài. Lời nói và bài viết đó là văn bản. Như vậy, văn bản vừa là phương tiện, vừa là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Văn bản thường do nhiều câu kết hợp với nhau tạo thành, như bài thơ, bài báo, đơn xin việc, giấy mời họp… Văn bản có thể ngắn dài khác nhau” [7]. Xuất phát từ quan niệm này, phân loại văn bản cơ bản dựa trên kênh biểu đạt ngôn ngữ (chữ viết) và chủ yếu là văn bản in trên giấy (tĩnh). Văn bản thông tin với tư cách là một loại văn bản lớn, với nhiều tiểu loại đa dạng, cập nhật đời sống, chưa xuất hiện chính thức trong chương trình và các tài liệu học tập hữu quan.

Đầu thế kỉ XXI, trên thế giới, quan niệm và cách phân loại văn bản trong nhiều chương trình và tài liệu khoa học, giáo dục có sự khác biệt, đồng thời mở rộng hơn so với cách hiểu, cách phân loại trong nhà trường Việt Nam nói trên.

Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (The Programme for International Student Assessment) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), khái niệm văn bản được hiểu là “bao gồm tất cả ngôn ngữ được sử dụng ở dạng đồ họa: viết tay, in hoặc dựa trên màn hình” [8]. Theo định nghĩa này, văn bản hết sức đa dạng, nó có thể là thơ, truyện ngắn hoặc sơ đồ, bảng biểu, thậm chí cả hình ảnh chuyển động, miễn sao có thể đọc (phân tích, lí giải) được nội dung, ý nghĩa từ trên hệ thống kí hiệu đó. PISA phân loại văn bản dùng cho HS đọc hiểu như sau:

- Theo nguồn (source): văn bản đơn nguồn, văn bản đa nguồn;

- Theo cơ cấu tổ chức và điều hướng (organisational and navigational structure): văn bản tĩnh, văn bản động;

- Theo hình thức thể hiện (format): văn bản liên tục, văn bản không liên tục, văn bản hỗn hợp;

- Theo loại, thể (type): văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản giải thích, văn bản thuyết phục, văn bản hướng dẫn, văn bản tương tác, văn bản giao dịch [9].

Quan niệm mới về văn bản này chi phối chương trình dạy học ngôn ngữ mẹ đẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các tác giả Dương Thị Hồng Hiếu, Nguyễn Thị Hồng Nam, ở đầu thế kỉ XXI, dù ít nhiều khác biệt, tựu trung, quan niệm và cách phân loại văn bản trong chương trình giáo dục của tổ chức OECD và nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc…, vẫn có những điểm chung sau đây:

- Khái niệm văn bản được dùng để chỉ những sản phẩm ngôn ngữ (dạng nói hoặc dạng viết) và cả những sản phẩm kết hợp giữa ngôn ngữ và các loại ký hiệu khác.

- Một số tiêu chí phân chia văn bản: a) Theo phương tiện thể hiện, gồm có: VB được in và VB không in (kĩ thuật số); b) Theo phương diện hình thức, gồm có: VB viết liền mạch, VB không liền mạch (do có sự kết hợp giữa kênh chữ và kênh hình);  VB kết hợp cả hai hình thức trên. Theo phương diện nội dung, gồm có: VB văn học, VB thông tin.

- VB đọc hiểu được lấy từ cả hai nguồn in và không in, gồm cả những VB chỉ sử dụng kênh chữ lẫn những VB kết hợp kênh chữ và kênh hình. VBVH dù vẫn được giảng dạy nhưng không phải là loại VB duy nhất và cũng không chiếm số lượng quá lớn. VBTT ngày càng được chú ý đưa vào giảng dạy nhiều hơn[10].

Cùng với sự đổi mới trong quan điểm tiếp cận, xây dựng chương trình môn Ngữ văn và các phương diện tương ứng như tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, quan niệm về văn bản trong nhà trường phổ thông Việt Nam đã có những thay đổi, mở rộng so với trước đó. Nhìn chung, sự thay đổi trong quan niệm về văn bản và dạy học văn bản này gắn với mục tiêu phát triển năng lực người học, trong đó nhấn mạnh năng lực giao tiếp của chương trình GDPT 2018, những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, các khoa học liên ngành và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đi đến định nghĩa văn bản như sau:

Văn bản là sản phẩm đồng thời là phương tiện giao tiếp của con người. Văn bản sử dụng phương tiện ngôn ngữ hoặc kết hợp ngôn ngữ với các phương tiện khác như hình ảnh, âm thanh, màu sắc, sơ đồ…, để tạo thành một đơn vị nghĩa, nhằm đạt mục đích giao tiếp. Có thể chia văn bản thành nhiều loại theo những tiêu chí khác nhau. Ví dụ, xét theo mục đích giao tiếp, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin; xét theo hình thức thể hiện, có văn bản viết và văn bản nói; xét theo hệ thống phương tiện sử dụng, có văn bản đơn phương thức và văn bản đa phương thức; xét theo hình thức định dạng, có văn bản in và văn bản kĩ thuật số;... Trong môn Ngữ văn, văn bản là đối tượng của hoạt động tiếp nhận và tạo lập của HS, đồng thời là nội dung phương tiện, ngữ liệu dạy học.

Để phục vụ những mục đích và yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy khác nhau, người ta phân chia văn bản thành nhiều loại, theo những tiêu chí nhất định. Trong môn Ngữ văn theo chương trình GDPT 2006, văn bản được phân loại như sau:

- Theo đối tượng và nội dung đọc hiểu: Văn bản văn học (thơ, truyện ngắn, kịch, kí, văn bản nghị luận…) và văn bản nhật dụng

- Theo phương thức biểu đạt: Văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm, văn bản hành chính - công vụ, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận

- Theo lĩnh vực và mục đích giao tiếp: Văn bản sinh hoạt, văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản báo chí, văn bản chính luận, văn bản nghệ thuật

Như vậy, văn bản chủ yếu được nhìn từ kênh biểu đạt ngôn ngữ (chữ viết) và chủ yếu là văn bản in trên giấy (tĩnh). Văn bản thông tin với tư cách là một loại văn bản lớn, với nhiều tiểu loại đa dạng, cập nhật đời sống, chưa có mặt trong chương trình và các tài liệu học tập. Mặt khác, tiêu chí phân loại chưa bao quát và có những chỗ thiếu nhất quán (trường hợp văn bản văn học bao gồm văn bản nghị luận, văn bản nhật dụng đặt cạnh văn bản văn học trong phần đọc hiểu).

Có thể khái quát hệ thống phân loại văn bản trên bằng sơ đồ sau:





Sơ đồ 1. Hệ thống phân loại văn bản theo CTNV 2006

 

Môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 kế thừa một số điểm trong cách phân loại văn bản trên và bổ sung, mở rộng theo xu hướng phân loại quốc tế, cụ thể như sau.

- Theo mục đích giao tiếp: văn bản văn học (truyện, thơ, kịch, kí, sử thi…); văn bản nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học, nghị luận nghệ thuật); văn bản thông tin (biên bản, bản tường trình, văn bản tóm tắt, văn bản nội quy, văn bản hướng dẫn, văn bản thuyết minh, báo cáo nghiên cứu, thư trao đổi công việc…)

- Theo phương thức tồn tại: văn bản nói, văn bản viết

- Theo hệ thống phương tiện sử dụng: văn bản đơn phương thức (chỉ sử dụng phương tiện ngôn ngữ); văn bản đa phương thức (sử dụng kết hợp nhiều phương tiện: ngôn ngữ, tranh, ảnh, sơ đồ, âm thanh…)

Có thể khái quát hệ thống phân loại văn bản trên bằng sơ đồ sau: 

 




Sơ đồ 2. Hệ thống phân loại văn bản theo CTNV 2018

 

Quan niệm về văn bản trong nhà trường phổ thông hiện nay đã có sự thay đổi, mở rộng theo xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới. Văn bản được hiểu là một đơn vị nghĩa, sử dụng nhiều hệ thống kí hiệu (bao gồm kí hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), hướng tới mục tiêu giao tiếp nhất định. Theo đó, tiêu chí và cách phân loại văn bản cũng đa dạng hơn. Theo mục đích giao tiếp chủ yếu, văn bản được chia thành ba loại (type): văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Theo đối tượng, phạm vi và phương thức phản ánh, văn bản văn học được chia thành các thể loại (genre), bao gồm truyện, thơ, kịch, kí… Văn bản dùng trong viết, được phân chia theo phương thức biểu đạt chính, gọi là kiểu văn bản, bao gồm văn bản tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận [11]… Bên cạnh dạng văn bản đơn phương thức (biểu đạt bằng kí hiệu ngôn ngữ), chương trình chú ý đưa vào các văn bản đa phương thức (sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, âm thanh, chuyển động, sơ đồ…).

Dạy học văn bản trong môn Ngữ văn theo định hướng của chương trình GDPT 2018 là dạy HS cách tiếp nhận văn bản (đọc hiểu) và tạo lập văn bản (viết, nói và nghe), thông qua/ bằng hệ thống văn bản. Với quan điểm tiếp cận và dạy học này, các văn bản sẽ được đặc biệt chú ý với tư cách là các ngữ liệu tiêu biểu về mặt thể loại, hoặc, nói cách khác - các ví dụ mẫu - để qua đó, HS học được các tri thức về văn bản và phương pháp tiếp cận, lí giải cũng như tạo lập chúng theo đặc trưng thể loại. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là các văn bản chỉ đóng vai trò ví dụ minh hoạ cho các vấn đề lí thuyết thể loại. Nhiều văn bản có giá trị tự thân, riêng biệt về mặt thông tin, thẩm mĩ, tư tưởng hoặc dạng thức tồn tại, trình bày... Nói cách khác, chúng có tính "tự trị" nhất định. Do đó, khi dạy học, cần phải coi trọng tính chất riêng biệt, độc đáo của mỗi văn bản và trên cơ sở đó để tìm cách tiếp cận phù hợp. Tính mở của chương trình Ngữ văn 2018, đặc biệt ở khâu kiểm tra, đánh giá, cũng đặt ra yêu cầu mới đối với GV trong vấn đề xây dựng hệ thống ngữ liệu. GV cần chủ động xây dựng hệ thống ngữ liệu dạy học cá nhân. Các văn bản được chọn làm ngữ liệu phải phong phú, đa dạng, đảm bảo các yêu cầu về mặt sư phạm, khoa học, thẩm mĩ và được hệ thống hoá theo các tiêu chí nhất định. Ngữ liệu cũng phải được bổ sung, cập nhật thường xuyên, theo mục đích và lộ trình dạy học cụ thể. 

                                                                                              Vinh, 20/11/2023

                                          L.H.Q.

 



[1] Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo dục, trang 193.

[2] O.I. Moskalskaja (1996), Ngữ pháp văn bản, Trần Ngọc Thêm dịch, Nxb Giáo dục, trang 15.

[3] Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo dục, trang 193 - 104.

[4] Diệp Quang Ban (2005), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục, trang 19-20.

[5] Dẫn theo Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo dục, trang 199.

[6] Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm, Nxb Khoa học Xã hội, trang 29-30.

[7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 nâng cao, tập 1, Nxb Giáo dục, trang 14.

[8] OECD (2019), The PISA 2018 Assessment and Analytical Framework, OECD Publishing, trang 38.

[9] OECD (2019), The PISA 2018 Assessment and Analytical Framework, OECD Publishing, trang 38.

 [10] Dương Thị Hồng Hiếu, Nguyễn Thị Hồng Nam (5/2015), “Văn bản và việc phân chia các loại văn bản”, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn (3), trang 99-107.

[11] Xem thêm mục Giải thích thuật ngữ, Chương trình môn Ngữ văn 2018, trang 87.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét